Pages

Subscribe:

Thursday, 14 July 2016

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận về nước giao lưu độc giả

Giáo sư thiên văn học tại Đại học Virginia, Mỹ chia sẻ về tác phẩm "Số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó" cùng con đường đến với khoa học nghiên cứu vũ trụ.

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận vừa về nước để có chuỗi hoạt động hội thảo, trò chuyện với công chúng yêu mến các tác phẩm của ông trong tháng 7 ở Hà Nội và TP HCM. Đây là lần trở về mới nhất của ông kể từ năm 2011.
Hôm 2/7, sự kiện đầu tiên - giao lưu, ký tặng sách Số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó - diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.
Sách Số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó là một trong những tác phẩm đầu tay của Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, xuất bản lần đầu năm 1992. Đây chính là cuốn sách khiến tên tuổi ông được biết đến ở Pháp và là một trong những cuốn best-seller. Tác phẩm mang đến kiến thức khoa học cơ bản về sự hình thành của vũ trụ, khởi nguồn từ vụ nổ Big Bang. Sách gồm bảng thuật ngữ, tra cứu theo vần và hệ thống 130 bức ảnh đẹp về vũ trụ. Tác phẩm phù hợp cho những bạn trẻ muốn nhập môn khoa học thiên văn.
giao-su-trinh-xuan-thuan-ve-nuoc-giao-luu-doc-gia
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận ký tặng các độc giả nhí.
Cuốn sách bản tiếng Việt là kết quả của lớp học về dịch sách khoa học do Trung tâm sách quốc gia của Bộ Văn hóa Pháp và Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội tổ chức, kéo dài một năm. Ấn phẩm được Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt năm 2015, dịch giả Phạm Văn Thiều hiệu đính. Ngoài ra, nhiều cuốn sách thiên văn học phổ biến của Trịnh Xuân Thuận đã được dịch sang tiếng Việt như: Giai điệu bí ẩn, Và con người tạo nên vũ trụ, Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Vũ trụ và hoa sen…
Nhà vật lý thiên văn học chia sẻ từ nhỏ ông đã ham mê đọc sách, nhất là đọc về Albert Einstein. Chính nhà vật lý người Đức này là nguồn cảm hứng để Trịnh Xuân Thuận đi theo con đường nghiên cứu khoa học, với ham muốn học hỏi những thành tựu vật lý của thế giới.
Sau khi đỗ tú tài tại Sài Gòn, ông đi Thụy Sĩ học một năm. Môi trường học tại Thụy Sĩ thiên về kỹ thuật khiến Trịnh Xuân Thuận quyết tâm xin học bổng sang Mỹ để theo đuổi con đường nghiên cứu. Ông học Viện Công nghệ California rồi Đại học Princeton, Mỹ.
Trong những năm 1960, thế giới liên tục công bố những thành tựu về khám phá vũ trụ. Ngôi trường nơi ông theo học cũng có những giáo sư hàng đầu nghiên cứu lĩnh vực này khiến Trịnh Xuân Thuận càng thêm thích thú và tin rằng vũ trụ bao la, huyền bí hoàn toàn có thể khám phá. Từ đó, ông gắn bó với ngành vật lý thiên văn.
Từ năm 1976, ông là giáo sư thiên văn học tại Đại học Virginia. Là một nhà vật lý thiên văn, ông viết nhiều sách về sự hình thành và tiến hóa của những thiên hà. Mặc dù làm việc tại Mỹ, Trịnh Xuân Thuận thấm nhuần văn hóa Pháp và viết sách bằng tiếng Pháp.

0 comments:

Post a Comment

 
Blogger Templates