Pages

Subscribe:

Thursday, 15 December 2016

'Đàn bà hư ảo' - cuốn sách khơi gợi những khát khao trần tục

Tác phẩm đầu tay của Nguyễn Khắc Ngân Vi khắc họa một thế giới phù phiếm, chân thực và giàu cảm xúc của phái đẹp. 

Đàn bà hư ảo được viết từ góc nhìn của một phụ nữ nhiều trải nghiệm. Câu chuyện được tái hiện qua dòng ý thức của An về cuộc sống và những người xung quanh cô. An lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, ký ức tuổi thơ của cô là những trận đòn roi bạo lực, những cơn say triền miên của cha và giọt nước mắt cam chịu của mẹ. Mẹ cô là người đàn bà yếu đuối, dù oán hận chồng nhưng không thể rời bỏ ông ta, cứ chia tay rồi lại quay về như một vòng luẩn quẩn. 
dan-ba-hu-ao-cuon-sach-khoi-goi-nhung-khat-khao-tran-tuc
Tác phẩm tạo dựng một thế giới khởi nguyên chân thực và hỗn độn của phụ nữ.
An lớn lên với những vết thương tâm hồn khó lành. Cô hạ quyết tâm trở thành người phụ nữ độc lập, mạnh mẽ khác với mẹ mình. An muốn ở bên Nhai vì anh chấp nhận con người thật của cô, tuy nhiên, cô sợ hôn nhân bởi những ám ảnh trong quá khứ. Họ có tình yêu, tình dục, tình thân nhưng chẳng màng đến hôn nhân. Thực chất An cố gồng lên mạnh mẽ để che giấu bản chất yếu đuối của mình, đồng thời tìm đến men rượu để khống chế nỗi sợ hãi của bản thân. An đã chọn lối sống hoàn toàn khác với mẹ nhưng cô vẫn rơi vào tấn bi kịch tương tự, đó là nỗi cô đơn. 
Trong Đàn bà hư ảo, ngòi bút dịu dàng nhưng không kém phần quyết liệt của Nguyễn Khắc Ngân Vi cuốn bạn đọc vào dòng chảy cuộn trào từ sâu trong nội tâm nhân vật. Ở đó, tác giả không ngại bóc tách, lột trần, phơi bày bản ngã những đứa con tinh thần của mình. Cái tôi của họ bị trói buộc trong nỗi cô đơn tột độ, trong những điệp khúc đơn điệu, lặp đi lặp lại của cuộc sống. Tác phẩm đặt ra nhiều trăn trở: "Sống làm gì?", "Sống thế nào cho ra sống?", "Có phải con người sinh ra vốn cô đơn rồi chết đi vẫn một mình?", "Rốt cuộc thế nào mới là hạnh phúc chân chính?".
dan-ba-hu-ao-cuon-sach-khoi-goi-nhung-khat-khao-tran-tuc-1
Nguyễn Khắc Ngân Vi sinh năm 1989. Cô là nhà báo chuyên về mảng văn hóa và xã hội, hiện sống tại TP HCM.
Ngân Vi còn chạm đến sâu thẳm dục vọng của nữ giới. Chị không ngại đề cập đến những say đắm cuồng dại luôn gào thét trong tâm khảm nhưng khó thốt ra ở đầu môi. Khát khao chính đáng đó bị những lề thói xã hội, chuẩn mực đạo đức kìm nén. Sau tất cả, Đàn bà hư ảo khơi gợi khát vọng sống thật với bản năng và chống lại những chuẩn mực cứng nhắc. 
Một yếu tố hấp dẫn khác của Đàn bà hư ảo là lối kể chuyện theo dòng ý thức của Nguyễn Khắc Ngân Vi. Tác giả không sử dụng nhiều hội thoại mà để nhân vật tự do bộc bạch, khiến người đọc dễ dàng hòa vào mạch truyện, đồng cảm với các nhân vật. 

Phiên chợ sách xưa trưng bày nhiều hiện vật quý hiếm

Thủ bút của người nổi tiếng, sách chữ Nôm, sách quốc ngữ thời kỳ đầu… sẽ được giới thiệu trong hai ngày 17 và 18/12 tại Đại học Văn hóa Hà Nội.

Sự kiện do diễn đàn Sách xưa kết hợp trường Đại học Văn Hóa Hà Nội tổ chức. Phiên chợ có nhiều hoạt động như tọa đàm về văn hóa đọc của diễn giả Phạm Xuân Nguyên, đấu giá sách quý để gây quỹ từ thiện, giới thiệu, trao đổi sách cũ… 
phien-cho-sach-xua-trung-bay-nhieu-hien-vat-quy-hiem
Một trong những ấn bản "Số đỏ" đầu tiên của nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Phiên chợ trưng bày những hiện vật đặc sắc tưởng đã tuyệt bản như thủ bút của các văn nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng, sách chữ Nôm, sách xuất bản thời kỳ mới xuất hiện chữ quốc ngữ...
Ban tổ chức mong muốn sự kiện giúp người yêu sách tìm thấy giá trị tinh thần qua những cuốn sách cũ.
phien-cho-sach-xua-trung-bay-nhieu-hien-vat-quy-hiem-1
Nhiều hiện vật đặc sắc được trưng bày ở "Phiên chợ sách xưa".
Diễn đàn Sách xưa là địa chỉ quen thuộc của những người yêu sách và giới sưu tập cả nước. Trong quá trình hoạt động gần 10 năm, diễn đàn đóng góp không nhỏ trong việc giữ gìn, bảo tồn và quảng bá các di sản văn hóa tinh thần của dân tộc. Diễn đàn từng tổ chức thành công nhiều cuộc triển lãm báo chí được dư luận quan tâm cũng như tiến hành đấu giá sách quý gây quỹ ủng hộ các hoạt động từ thiện...

Sunday, 11 September 2016

Đạo diễn Trần Anh Hùng tặng sách cho danh ca Khánh Ly

Tình cờ gặp gỡ ở Đường sách TP HCM vào sáng 7/9, đạo diễn phim 'Eternité" tặng tiểu thuyết 'Nét duyên góa phụ' - tác phẩm gốc của phim - cho nữ danh ca.

Đạo diễn Trần Anh Hùng có mặt tại Đường sách TP HCM để ký tặng độc giả quyển tiểu thuyết của nữ văn sĩ Alice Ferney. Cuốn sách có tên tiếng Việt là Nét duyên góa phụ (tên gốc: L’élegance des veuves).
Bất chấp cơn mưa rào, hơn 100 bạn đọc kiên nhẫn đứng xếp hàng mua sách và chờ được đạo diễn ký tên. Lúc này, danh ca Khánh Ly và êkíp cũng đến khu vực này để thực hiện bộ ảnh về Sài Gòn. Khi biết đạo diễnMùi đu đủ xanh đang có mặt tại đây, Khánh Ly bước đến gian hàng sách nơi anh đang giao lưu để chào và có ý định mua sách.
Khánh Ly (trái)
Khánh Ly và Trần Anh Hùng bất ngờ gặp gỡ nhau ở Đường sách TP HCM.
Bất ngờ trước sự xuất hiện của nữ danh ca, đạo diễn trao sách và ký tặng bà. Khánh Ly chia sẻ người chồng quá cố của bà rất thích các phim của Trần Anh Hùng. "Sinh thời, ông ấy thường nhắc về anh. Chúng tôi thích phim Mùi đu đủ xanh. Hôm nay tôi được tặng quyển Nét duyên góa phụ là quá đúng rồi", bà nói vui.
Hoạt động ký tặng sách của đạo diễn Trần Anh Hùng diễn ra cùng thời điểm với bộ phim Vĩnh cửu - chuyển thể từ tiểu thuyết - do anh đạo diễn được chiếu ở Việt Nam. Phim có sự tham gia của bộ ba nữ minh tinh người Pháp là Mélanie Laurent, Audrey Tautou và Bérénice Bejo.
Khán giả xếp hàng chờ xin chữ ký đạo diễn Trần Anh Hùng.
Khán giả xếp hàng chờ xin chữ ký đạo diễn Trần Anh Hùng.
Trần Anh Hùng chia sẻ anh rất thích đọc sách và luôn tìm được nguồn cảm hứng dồi dào để làm phim qua các tác phẩm yêu thích. "CuốnL’élegance des veuves khiến tôi khóc rất nhiều, thôi thúc tôi muốn thực hiện tác phẩm nói về dòng chảy của thời gian, về tình yêu giữa đàn ông, đàn bà và những đứa con", anh nói.
Sau khi được chiếu ở Hà Nội, phim Vĩnh cửu có buổi ra mắt khán giả ở TP HCM tối 7/9.

Tự truyện Ái Vân được mua bản quyền làm phim

Sách "Để gió cuốn đi" của nữ ca sĩ được dùng làm chất liệu chính cho phim điện ảnh đang trong quá trình viết kịch bản.

Công ty First News và một đơn vị truyền thông vừa hoàn tất hợp đồng ký kết bản quyền tự truyện Để gió cuốn đi cho dự án phim điện ảnh mới.
Đại diện đơn vị mua bản quyền cho biết họ không chuyển thể hoàn toàn sách lên phim theo dạng kể lại cuộc đời ca sĩ Ái Vân, mà chỉ chọn lọc các chi tiết, chất liệu cuốn hút để xây dựng chuyện phim.
"Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm êkíp thực hiện công việc biên kịch. Dù tin câu chuyện về tình yêu, thân phận con người trong sách sẽ thu hút khán giả, chúng tôi chỉ dám chia sẻ chi tiết về dự án khi có trong tay kịch bản", người đại diện nói.
Bìa tự truyện Ái Vân mang tên Để gió cuốn đi.
Bìa tự truyện Ái Vân mang tên "Để gió cuốn đi".
Ca sĩ Ái Vân đồng ý để cuốn sách được mang lên màn ảnh. Chị đã có vài lần trao đổi, bàn bạc với đơn vị mua bản quyền để góp ý về việc sử dụng sách.
Quyển Để gió cuốn đi ra mắt bạn đọc vào đầu tháng 5, được khán giả Việt trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt. Tác phẩm không chỉ kể lại những thăng trầm, sóng gió trong cuộc đời nghệ sĩ mà còn giúp bạn đọc hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử, xã hội của Việt Nam thời bao cấp. Những trải lòng của người con gái tài sắc được đan xen với góc nhìn của chị về các đồng nghiệp, người thân trong đại gia đình hoạt động nghệ thuật giúp cuốn sách có nhiều tình tiết cuốn hút.
Khoảnh khắc hạnh phúc của vợ chồng Ái Vân (bên phải) bên bạn bè.
Khoảnh khắc hạnh phúc của vợ chồng Ái Vân (phải) bên bạn bè tại buổi hội ngộ ở Hà Nội vào tháng 5.
Trong ấn phẩm, Ái Vân đã bỏ trắng bảy trang giấy - phần đề cập về những xung đột của chị với người chồng ở cuộc hôn nhân lần thứ hai. Nữ nghệ sĩ quan niệm chị muốn nhìn về quá khứ với tấm lòng nhân văn, buông bỏ hơn là những oán hận không hóa giải được.
Sau khi sách ra mắt, người chồng thứ hai của Ái Vân là NSND Trần Bình đã liên hệ với First News - đơn vị thực hiện cuốn tự truyện - đề nghị tổ chức buổi hội ngộ Ái Vân ở Hà Nội. Những người trong cuộc đều gác lại chuyện xưa để buổi này diễn ra trong không khí ấm áp, thân tình.
NSND Trần Bình cho biết ông đã đọc cuốn sách và bất ngờ khi thấy Ái Vân viết hay, nhân văn. Ông đùa nếu viết tự truyện về mình, ông sẽ đặt tên sách là Để bão cuốn gió đi.

Tuesday, 30 August 2016

Ông bố U60 Trần Lực kể chuyện đối phó với ba 'tiểu quỷ'

Đạo diễn Trần Lực chuẩn bị ra mắt cuốn sách"Chuyện nhà Bông, Bờm, Bách" với những khoảnh khắc thú vị của ba con nhỏ.

Diễn viên, đạo diễn Trần Lực vừa hoàn thành cuốn sách đầu tay, gồm những mẩu chuyện ngắn góp nhặt trong gia đình.
Ở tuổi 53, ngoài cậu con trai cả gần 30 tuổi, Trần Lực còn có ba con nhỏ tuổi thiếu nhi là Bông (9 tuổi), Bờm (8 tuổi) và Bách (5 tuổi). 
Chuyện nhà Bông, Bờm, Bách gồm 55 câu chuyện, tập trung vào các mẩu đối thoại dí dỏm, hài hước của Trần Lực với ba con hàng ngày. Tính cách của các con lần lượt hiện lên qua lời kể của ông bố. Đó là một Bông điệu đà, Bờm hiếu động, tò mò và Bách "hổ báo" - luôn là nỗi kinh hoàng của anh Bờm và chị Bông với những trò nghịch ngợm.
ong-bo-u60-tran-luc-ke-chuyen-doi-pho-voi-ba-tieu-quy
Bìa sách "Chuyện nhà Bông, Bờm, Bách".
Trần Lực qua chương trình Bố ơi mình đi đâu thế đã cho thấy hình ảnh một ông bố tình cảm, tâm lý, luôn làm bạn với con. Trong cuốn sách, hình ảnh ấy được khắc họa đậm nét. Dù tuổi tác cách biệt khá lớn, Trần Lực vẫn gần gũi, lắng nghe và kiên nhẫn đối phó với những căn vặn, lý sự từ các con. Bao trùm tất cả là tình yêu thương Trần Lực dành cho con cái.
Trong mẩu chuyện Con sinh ra từ đâu, Trần Lực kể lại đối thoại giữa anh với bé Trần Bờm láu lỉnh:
"Sáng, khoác ba lô lên vai, Bờm quay sang bố:
- Hôm nay sinh nhật con á, bố?
- Ừ!
- Thế... giờ này con sinh ra chưa?
- Chưa!
- Thế... con ở đâu?
- Trong bụng mẹ anh chứ đâu, nhiều chiện, đi giày nhanh!
- Bố bị lừa nhá, hihi, thế mà bố dám bảo bố mang bầu xong roài đẻ ra con hí hí...
Đấy, sáng ra đã lý lắc với bố híc híc...
Nói để anh biết, tôi yêu anh và mong anh hạnh phúc, vui vẻ... Cũng nói để anh biết, dù có thành công hay thất bại trong cuộc sống tôi mãi ở bên anh, thoải mái mà sống, nhá, anh Bờm! Chúc mừng sinh nhật con trai yêu".
Ngôn ngữ đối thoại đời thường khiến người đọc như được chứng kiến những thước phim chân thực về cuộc sống của gia đình đông con Trần Lực.
ong-bo-u60-tran-luc-ke-chuyen-doi-pho-voi-ba-tieu-quy-1
Ba bé Bông, Bờm và Bách.
Ngoài ra, cuốn sách cũng khiến độc giả thích thú với hình ảnh mẹ của ba bé - Mỹ Trang. Đây là người vợ thứ ba của Trần Lực, hiếm khi xuất hiện trước truyền thông. Ở nhà, mẹ các bé được gọi là "cô phù thuỷ cưỡi chổi" và rút gọn thành "cô Thuỷ". Mỗi lần "cô Thủy" xuất hiện, qua miêu tả của Trần Lực, đều khiến độc giả bật cười.

Sách 'Mỹ nhân Nga' giới thiệu 17 truyện ngắn của Nabokov

Tập truyện ngắn của cha đẻ tiểu thuyết "Lolita" - nói về nỗi đau thầm kín của một ông hoàng lưu vong - vừa ra mắt ở Việt Nam.

Quyển một của bộ tổng tập truyện ngắn Nabokov vừa được Nhà xuất bản Văn học và Zenbook phát hành tại Việt Nam. Quyển này mang tên Mỹ nhân Nga gồm 17 truyện ngắn trong tổng số 68 truyện Nabokov từng sáng tác. Dịch giả Thiên Lương là người chuyển ngữ các truyện ngắn từ bản gốc tiếng Anh và tiếng Nga.
Bìa cuốn Mỹ nhân Nga.
Bìa cuốn "Mỹ nhân Nga".
Vladimir Nabokov có phong cách viết hoa mỹ, uyên bác, phức tạp và chứa đựng vô vàn "ngón" chơi chữ, bẫy ngôn từ. Cách xếp đặt tác phẩm của ông được nhận xét đẹp hoàn hảo như cánh bướm, lại trí tuệ như bàn cờ vua luôn mê hoặc, cuốn hút người đọc. Tuy vậy, sự cầu kỳ trong văn phong của ông khiến cho nhiều người có chút ngại ngần khi tiếp cận các tác phẩm của Nabokov.
Ở đại văn hào này tích hợp nét đa văn hóa trong một con người gốc quý tộc Nga. Ông trưởng thành với đủ nghề ở châu Âu, rồi làm giáo sư văn chương ở Mỹ. Những điều này làm cho văn của ông tải được không chỉ sự vĩ đại, khoáng đạt, chất thôn dã và vẻ đẹp tâm hồn Nga mà cả tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái của châu Âu, Mỹ.
Những yếu tố trên gây không ít khó khăn cho việc dịch sách của Nabokov. Người dịch Mỹ nhân Nga giữ quan điểm bản dịch chỉ có giá trị khi được dịch từ ngôn ngữ gốc. Do Nabokov sáng tác bằng cả tiếng Anh và tiếng Nga, 68 truyện ngắn của ông có một lịch sử xuất bản khá phức tạp. Chúng được đăng rải rác suốt nửa thế kỷ trên các tờ báo Nga và Mỹ. Sau này, chúng được con trai nhà văn gom lại và in trong một tổng tập với tên Collected Stories (Tổng tập truyện ngắn).
"Dẫu sao chăng nữa, công nghệ hiện đại ở một thế giới phẳng hơn cũng làm cho việc dịch thuật trở nên thuận lợi hơn, cho dịch giả cơ hội tra cứu sâu hơn, nhanh hơn và rộng hơn, nhờ vậy mà các tác giả khó dịch như Nabokov sẽ có nhiều cơ hội đến được với độc giả Việt Nam", dịch giả Thiên Lương nói.
Dù là tác giả được đánh giá rất cao trên thế giới, thậm chí được xem như nhà văn của các nhà văn, Nabokov có vị trí khá khiêm tốn ở thư viện văn học dịch Việt Nam. Gần 40 năm từ khi nhà văn qua đời tại Thụy Sĩ, chỉ một phần rất nhỏ thuộc di sản văn chương của ông được giới thiệu đến độc giả Việt Nam. Trong đó, chỉ có hai cuốn Lolita và Tiếng cười trong bóng tối được dịch từ nguyên tác và gây tiếng vang trong giới đọc sách.
Bộ tổng tập truyện ngắn của nhà văn Nabokov được chia làm 4 quyển, đều do dịch giả Thiên Lương chuyển ngữ. Dự kiến, quyển cuối cùng được dịch xong vào năm 2019 - năm kỷ niệm 120 năm ngày sinh Nabokov.

Thursday, 14 July 2016

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận về nước giao lưu độc giả

Giáo sư thiên văn học tại Đại học Virginia, Mỹ chia sẻ về tác phẩm "Số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó" cùng con đường đến với khoa học nghiên cứu vũ trụ.

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận vừa về nước để có chuỗi hoạt động hội thảo, trò chuyện với công chúng yêu mến các tác phẩm của ông trong tháng 7 ở Hà Nội và TP HCM. Đây là lần trở về mới nhất của ông kể từ năm 2011.
Hôm 2/7, sự kiện đầu tiên - giao lưu, ký tặng sách Số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó - diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.
Sách Số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó là một trong những tác phẩm đầu tay của Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, xuất bản lần đầu năm 1992. Đây chính là cuốn sách khiến tên tuổi ông được biết đến ở Pháp và là một trong những cuốn best-seller. Tác phẩm mang đến kiến thức khoa học cơ bản về sự hình thành của vũ trụ, khởi nguồn từ vụ nổ Big Bang. Sách gồm bảng thuật ngữ, tra cứu theo vần và hệ thống 130 bức ảnh đẹp về vũ trụ. Tác phẩm phù hợp cho những bạn trẻ muốn nhập môn khoa học thiên văn.
giao-su-trinh-xuan-thuan-ve-nuoc-giao-luu-doc-gia
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận ký tặng các độc giả nhí.
Cuốn sách bản tiếng Việt là kết quả của lớp học về dịch sách khoa học do Trung tâm sách quốc gia của Bộ Văn hóa Pháp và Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội tổ chức, kéo dài một năm. Ấn phẩm được Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt năm 2015, dịch giả Phạm Văn Thiều hiệu đính. Ngoài ra, nhiều cuốn sách thiên văn học phổ biến của Trịnh Xuân Thuận đã được dịch sang tiếng Việt như: Giai điệu bí ẩn, Và con người tạo nên vũ trụ, Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Vũ trụ và hoa sen…
Nhà vật lý thiên văn học chia sẻ từ nhỏ ông đã ham mê đọc sách, nhất là đọc về Albert Einstein. Chính nhà vật lý người Đức này là nguồn cảm hứng để Trịnh Xuân Thuận đi theo con đường nghiên cứu khoa học, với ham muốn học hỏi những thành tựu vật lý của thế giới.
Sau khi đỗ tú tài tại Sài Gòn, ông đi Thụy Sĩ học một năm. Môi trường học tại Thụy Sĩ thiên về kỹ thuật khiến Trịnh Xuân Thuận quyết tâm xin học bổng sang Mỹ để theo đuổi con đường nghiên cứu. Ông học Viện Công nghệ California rồi Đại học Princeton, Mỹ.
Trong những năm 1960, thế giới liên tục công bố những thành tựu về khám phá vũ trụ. Ngôi trường nơi ông theo học cũng có những giáo sư hàng đầu nghiên cứu lĩnh vực này khiến Trịnh Xuân Thuận càng thêm thích thú và tin rằng vũ trụ bao la, huyền bí hoàn toàn có thể khám phá. Từ đó, ông gắn bó với ngành vật lý thiên văn.
Từ năm 1976, ông là giáo sư thiên văn học tại Đại học Virginia. Là một nhà vật lý thiên văn, ông viết nhiều sách về sự hình thành và tiến hóa của những thiên hà. Mặc dù làm việc tại Mỹ, Trịnh Xuân Thuận thấm nhuần văn hóa Pháp và viết sách bằng tiếng Pháp.

'Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ' - cái nhìn nhân bản về lịch sử

Tác phẩm của chủ nhân Nobel Văn học 2015 - Svetlana Alexievich - giống như một bộ phim tài liệu xúc động về cuộc sống chiến trường của phụ nữ Liên Xô.

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ là một trong nhiều cuốn sách về chiến tranh của Svetlana Alexievich. Tác phẩm xuất bản lần đầu tại Nga năm 1983, được nhà văn Nguyên Ngọc dịch và xuất bản ở Việt Nam cuối thập niên 1980. Tới năm 2013, Svetlana Alexievich viết lại hoàn toàn cuốn sách. Bản mới lại được nhà văn Nguyên Ngọc dịch và ra mắt độc giả Việt đầu tháng 7.
Gần đây, bộ phim tài liệu Công binh, đêm dài Đông Dương (phát hành năm 2012) của đạo diễn Lê Lâm công chiếu ở Việt Nam. Những ai đã xem phim có thể cảm nhận sự tương đồng trong cách dựng tác phẩm của đạo diễn và nhà văn Svetlana Alexievich. Nếu Lê Lâm làm phim tài liệu bằng ngôn ngữ điện ảnh thì tác giả Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ viết cuốn sách phi hư cấu với ngôn ngữ văn chương. Độc giả đọc sách về chiến tranh nhưng cảm thấy giống một tiểu thuyết nhiều giọng kể hơn là việc ghi lại những sự kiện lịch sử qua lời nhân chứng.
Trong Công binh, đêm dài Đông Dương, xen giữa những trường đoạn dẫn chuyện mang tính điện ảnh, nhân chứng lần lượt kể câu chuyện của họ để dựng lại bức tranh sống động về số phận hơn 20.000 người Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp làm lính thợ ở Thế chiến II. Với Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, người đọc cũng hình dung thủ pháp tương tự. Svetlana Alexievich là người dẫn chuyện, xách ba lô đi về những địa phương trong hành trình tìm kiếm ký ức về một cuộc chiến tranh khác - cuộc chiến tranh của những người phụ nữ.
chien-tranh-khong-co-mot-khuon-mat-phu-nu-cai-nhin-nhan-ban-ve-lich-su
Bìa sách "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ".
Trong thập niên 1970, tác giả đã đi qua hơn 100 thành phố, thị trấn và các khu dân cư làng mạc, chuyện trò với hàng nghìn phụ nữ Liên Xô - những người đã tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Nga. Trên mỗi chặng hành trình ấy, hàng trăm gương mặt phụ nữ lần lượt hiện ra. Họ kể cho người khác nhưng cũng là nhìn thẳng vào quá khứ của bản thân. Họ là một xạ thủ bắn tỉa, một y tá, chiến sĩ cáng thương, phi công, xạ thủ phòng không, lái xe, lính bộ binh...
Chuyện người nọ nối tiếp chuyện người kia, ký ức người này gối ký ức người khác, không ai giống ai nhưng kỳ lạ, chúng liền mạch và như là một câu chuyện không của riêng người nào. Tác giả có đề tên, chức vụ, công việc của từng nhân chứng nhưng rõ ràng khi đọc tác phẩm, người đọc cũng không còn quan tâm lắm đến danh tính bởi họ đã được định danh chung - phụ nữ. Như Svetlana Alexievich chia sẻ, sau khi nghe từng ấy câu chuyện, gặp gỡ từng ấy người, bà không còn nhớ cụ thể một gương mặt nào mà chỉ nghe thấy giọng nói của họ cất lên với sự trầm buồn khi nhớ về quá khứ.
Chiến tranh khi mang khuôn mặt phụ nữ sẽ không chỉ là sự bỡ ngỡ với mùi thuốc súng, là nỗi lo sợ khi đối diện chết chóc mà còn là những chuyện bản năng đàn bà. Phần con gái của họ bị dẹp bỏ từ những điều sơ đẳng nhất, để khoác lên mình những bộ quân phục đàn ông, mang súng, cắt đi bím tóc dài, không được làm điệu, thậm chí thiếu cả đồ lót. Đó còn là những nỗi thèm sống, thèm yêu, thèm được yên bình tận hưởng tiếng chim hót hay tiếng đồng lúa mì rì rào trong gió thay vì tiếng súng. Và cả nỗi thèm khát quê nhà.
Bản mới của cuốn sách đăng cả những phần đã bị cắt bỏ trước đó và những đoạn đối thoại giữa tác giả với người kiểm duyệt. Trong đó, có đoạn Svetlana Alexievich ghi lại lời của một phụ nữ, khi họ hành quân giữa những ngày "đèn đỏ" mà không có một vật dụng gì bảo vệ. Có người đã bị bắn chết khi đang gột mình ở một con sông vì không muốn để mọi người nhìn thấy "chuyện xấu hổ".
Lại có người rơi vào tình huống oái oăm khi nhận được lời đề nghị từ một thương binh nam được cởi áo cho ngắm đôi ngực đàn bà, chỉ bởi anh ta đã lâu không nhìn thấy vợ. Nỗi xấu hổ sau đó trở thành nỗi day dứt khi một giờ sau trở lại, người thương binh đã chết.
Trong khi người kiểm duyệt phản bác việc đưa những chi tiết sinh lý học vào tác phẩm và đòi hỏi phải kể những phụ nữ anh hùng với hào quang tỏa sáng, Svetlana Alexievich cho rằng chính cái sinh lý học đó là điều con người nhất, nhân bản nhất. Bà muốn viết về một lịch sử nhân bản hóa thay vì một chủ nghĩa anh hùng cứng nhắc.
Trong tác phẩm, ngoài những nhân chứng kể chuyện, người dẫn chuyện luôn đặt mình vào bối cảnh một cách cảm xúc, kết nối phụ nữ với nhau để họ chung một ký ức lớn về chiến tranh đầy đau đớn và đáng kinh sợ. Tác phẩm hoàn toàn có thể làm thành một bộ phim lay động người xem bằng sự thật và những xúc cảm con người nhất, về số phận của những người phụ nữ đi qua cuộc chiến.
Svetlana Alexievich (31/5/1948) là một nhà báo điều tra và nhà văn thể loại văn xuôi hiện thực. Bà là người Belarus nhưng viết báo, viết văn bằng tiếng Nga. Năm 2015, bà được trao giải Nobel Văn học vì “lối viết phức điệu, một tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta”. 
Ngoài Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Svetlana Alexievich còn viết nhiều sách về đề tài chiến tranh như Những nhân chứng cuối cùng (1985), Quan tài kẽm (1989), Tiếng vọng từ Chernobyl (1997)...
Ngoài Nobel Văn chương, Svetlana Alexievich nhận nhiều giải thưởng khác như giải Leninsky Komsomol ở Nga, PEN Award, Peace Prize of the German Book Trade, Giải Médicis Essai (Pháp), giải National Book Critics Circle (Mỹ)…

Sunday, 29 May 2016

Sách hướng dẫn bố mẹ bảo vệ con khỏi bị quấy rối tình dục

Bộ sách "Giáo dục giới tính toàn diện" đưa ra những tình huống về giới tính và đề xuất cách giải quyết để cha mẹ giúp con tự bảo vệ thân thể, chống lại kẻ quấy rối...
Giáo dục giới tính toàn diện là bộ sách của tác giả Jayneen Sanders - giáo viên tiểu học người Australia.
Bộ sách gồm bốn cuốn, mỗi cuốn là một câu chuyện kèm những câu hỏi để bố mẹ tương tác với con, đề xuất cách giải quyết những tình huống khó về những chủ đề nhạy cảm.
Cuốn Không là Không hướng dẫn việc dạy trẻ về ranh giới cá nhân, trao quyền quyết định cho trẻ trong nhiều trường hợp bị ép uổng và tấn công. Theo đó, trẻ được quyền nói "Không!" với những ép buộc không hợp lý từ người ngoài như đòi ôm hôn hoặc đòi tắm cho.
sach-huong-dan-bo-me-bao-ve-con-khoi-bi-quay-roi-tinh-duc
Bộ sách "Giáo dục giới tính toàn diện".
Cuốn Bí mật rất cần bật mí hướng dẫn cha mẹ cách đề cập với con những bí mật tế nhị, để con thoải mái nói ra. Bởi trong nhiều trường hợp, kẻ lạm dụng trẻ em chính là những người quen mà trẻ sợ không dám nói.
Cuốn Thuyền trưởng cướp biển, gái tài như trai là câu chuyện về bình đẳng giới, tôn trọng cá nhân và phòng chống bạo lực. Qua câu chuyện về một nữ thuyền trưởng dũng cảm, công bằng và mạnh mẽ, sách cho thấy các cô gái có thể mạnh mẽ, tự lập, theo đuổi giấc mơ của mình và làm việc xuất sắc.
Cuốn thứ tư - An toàn cho con yêu - hướng dẫn từng bước để các bậc cha mẹ và anh chị biết cách bảo vệ trẻ khỏi bị quấy rối và tấn công tình dục. Thông qua cuốn sách, cha mẹ có thể dạy con về: Tên chính xác của các bộ phận "riêng tư" trên cơ thể, thế nào là "đụng chạm an toàn" và "đụng chạm không an toàn" và cách đối phó, không giấu giếm những bí mật đau buồn hay khó chịu...
Bộ sách dành cho bố mẹ có con từ ba tuổi trở lên.
Tác giả Jayneen Sanders có nhiều năm viết sách cho trẻ em, cha mẹ và người nuôi dạy trẻ. Cô khởi xướng các diễn đàn thảo luận về bảo vệ trẻ em khỏi nạn bắt nạt, quấy rối và xâm hại tình dục. Sách của cô được nhiều giải thưởng, được các chuyên gia uy tín công nhận và được dịch ra gần 10 ngôn ngữ, dùng trong nhà trường Anh, Mỹ, Australia...
Sách do Nhã Nam phát hành trong tháng 5, chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi.

Tổng thống Obama là 'mọt sách' như thế nào

Chính trị gia Mỹ lừng danh từng đọc hàng nghìn tác phẩm, trong đó "Chuông nguyện hồn ai", "Đảo giấu vàng"... là tiểu thuyết yêu thích của ông.
Tổng thống Barack Obama nổi tiếng là "mọt sách" trong lịch sử những người đứng đầu Nhà Trắng Mỹ.
Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008, Obama khiến giới trí thức ngạc nhiên khi trích dẫn nhiều kiến thức uyên bác từ sách kinh điển trong các buổi vận động tranh cử. Một năm sau khi nhậm chức, Nhà Trắng cho biết việc chính trị khiến ông giảm bớt thú vui đọc văn chương hư cấu. Thay vào đó, với ý thức để lại di sản, ông Obama luôn tìm cách thừa kế trí tuệ của những người tiền nhiệm và những học giả uyên bác trong các lĩnh vực chuyên môn khi xử lý vấn đề đất nước trên cương vị lãnh đạo.
Hồi Mỹ đối mặt khủng hoảng chiến tranh Afghanistan, Obama đọcLessons in Disaster của Gordon Goldstein và A Better War - hai cuốn nghiên cứu chiến tranh Việt Nam - để tham khảo kinh nghiệm.
tong-thong-obama-nuoi-duong-tinh-yeu-doc-sach-nhu-the-nao
Ông Obama đi mua sách ở Washington. Ngày bé, ông Obama là fan ruột của dòng truyện phiêu lưu và trinh thám. Khi trưởng thành, ông thích văn chương kinh điển của các tác giả John Steinbeck hay F.Scott Fitzgerald.
Khi giải quyết vấn đề về chăm sóc y tế, tổng thống Mỹ đọc kỹ các cuốn nghiên cứu về nỗ lực của cựu Tổng thống Theodore Roosevelt, trong đó có cuốn The Rise of Theodore Roosevelt của sử gia Edmund Morris. Mùa xuân năm 2010, ông chia sẻ trong buổi nói chuyện trước công chúng ở Glenside, bang Pennsylvania: "Chúng ta đã bàn về vấn đề chăm sóc sức khỏe quốc gia hàng thế kỷ nay. Hiện tại, tôi đọc những lời thuật của Theodore Roosevelt. Ông đã bàn nhiều về nó".
Trong các chuyến đi, ông Obama mang nhiều sách theo đọc. Năm ngoái, trong một lần đến hòn đảo Martha's Vineyard, nhà chính trị "tha" bên mình sáu tác phẩm (2.333 trang sách) để đọc trong một tuần. Hiện tại, khi có mạng xã hội, ông thường xuyên đăng các cuốn sách yêu thích trên trang cá nhân như tiểu thuyết kinh điển Moby Dick của Herman Melville, bi kịch Shakespeares, các tuyển tập phi hư cấu của tổng thống Lincoln và Kinh thánh. Mỗi lần Tổng thống Mỹ đề xuất một cuốn sách đều gây chú ý với mọi người. 
Hàng năm, ông chia sẻ với báo giới cuốn sách ưa thích nhất năm. Trong bài phỏng vấn với People tháng 12 năm ngoái, ông bày tỏ rằng cuốn sách yêu thích nhất năm của ông là tiểu thuyết Fates and Furies của nhà văn Lauren Groff. Câu chuyện kể về một cuộc hôn nhân bằng góc nhìn hai nhân vật chính. Tác phẩm sau đó vào danh sách chung khảo giải National Book.
tong-thong-obama-nuoi-duong-tinh-yeu-doc-sach-nhu-the-nao-1
Bài điểm sách của ông Obama trên Chicago Tribune năm 1997.
Dù thừa nhận sách điện tử hữu dụng và tiện ích, Obama nói: "Tôi yêu sách giấy truyền thống". Vào thời gian rảnh, ông thường dự các câu lạc bộ về sách hoặc đưa các con gái đi lựa sách ở các cửa hàng. Năm ngoái, ông gây chú ý khi mua liền một lúc 17 cuốn trong một cửa hàng ở Washington.
Niềm ham đọc sách của Barack Obama cũng được tiếp nối từ các đời tổng thống trước. Abraham Lincoln cũng mê sách phi hư cấu kinh điển. Tổng thống Herbert Hoover đặc biệt thích tác phẩm về luyện kim. Nhà vô địch về đọc sách ở Nhà Trắng chính là ông Theodore Roosevelt. Ông từng đọc mỗi ngày một cuốn dù bận rộn. Những ngày rảnh, ông đọc hai tới ba tác phẩm. Tổng thống Jimmy Carter từng tham gia các khóa học nâng cao tốc độ đọc sách.
Ông Obama đang đặt mục tiêu bắt kịp lượng sách đọc so với Franklin D. Roosevelt (Tổng thống thứ 32 nước Mỹ) - người từng đọc 22.000 cuốn sách cho tới khi qua đời năm 1945.
tong-thong-obama-nuoi-duong-tinh-yeu-doc-sach-nhu-the-nao-2
Tổng thống chia sẻ niềm yêu thích sách với trẻ em. Một trong số tác phẩm thiếu nhi kinh điển đi theo ông những năm tháng thơ ấu là Đảo giấu vàng.
Trước khi trở thành Tổng thống Mỹ, bản thân Obama từng viết phê bình sách có nhuận bút. Năm 1997, ông viết bài điểm sách cho báo Chicago Tribune và ca ngợi cuốn A Kind and Just Parent: The Children of Juvenile Court của William Ayers. Chính trị gia viết trong bài điểm sách nghiên cứu về trẻ em phạm tội vị thành niên: "Tác phẩm đưa ra cái nhìn sâu về hệ thống tư pháp cho trẻ vị thành niên phạm tội, đồng thời ca ngợi chân dung về những cá nhân can đảm biết biến tuyệt vọng thành hy vọng (những người làm việc ở một trại giáo dưỡng Juvenile Court ở Chicago)".
Thời sinh viên bận rộn với việc làm thêm như bán hàng hay lao động chân tay, Barack Obama nổi danh ở trường Occidental College (California) là vô địch gia về việc "ngốn ngấu" sách. Ông khẳng định hồi đó bản thân đọc hàng loạt sách thuộc nhiều lĩnh vực và thể loại, từ kinh tế, tới luật khoa, tiểu sử, triết học hay văn chương. Sách ông đọc dành cho mọi lứa tuổi từ năm tuổi tới hơn 52 tuổi. Một trong những triết gia yêu thích của ông là Reinhold Niebuhr, người có cuốn Moral Man And Immoral Society. Tiểu thuyết For Whom The Bell Tolls (Chuông nguyện hồn ai) của nhà văn Ernest Hemingway nằm trong số tác phẩm truyền cảm hứng hàng đầu cho Obama.

Wednesday, 30 March 2016

Tác giả tiểu thuyết 'Huyền thoại mùa thu' qua đời

Nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia Mỹ - Jim Harrison - ra đi tại nhà riêng ở Patagonia, bang Arizona, Mỹ hôm 26/3.
The New York Times đưa tin cây viết lỗi lạc qua đời cuối tuần qua ở tuổi 78. Đại diện nhà xuất bản Grove Atlantic viết: "Nước Mỹ vừa mất đi một trong những nhà văn vĩ đại".
tac-gia-tieu-thuyet-huyen-thoai-mua-thu-qua-doi
Nhà văn Jim Harrison.
Harrison sinh năm 1937 tại Michigan - cùng thuộc miền Trung Tây nước Mỹ với Ernest Hemingway. 50 năm sự nghiệp của ông để lại 30 tác phẩm, từ tiểu thuyết, thơ, tiểu luận, kịch, đến phê bình văn học. Sách của ông được dịch sang 27 thứ tiếng. 
Harrison khẳng định thơ ca có ý nghĩa nhất với bản thân. "Thơ là ngôn ngữ của tâm hồn. Tâm hồn ta biết nói khi ta dạy nó nói", Harrison từng viết.  Ông nổi tiếng nhất với tiểu thuyết Huyền thoại mùa thu (Legends of the Fall 1979). Cốt truyện kể về những biến động của gia đình nông trang gồm ba anh em ở Montana đầu thế kỷ 20, khi xảy ra Thế chiến I. 
tac-gia-tieu-thuyet-huyen-thoai-mua-thu-qua-doi-1
Cảnh trong phim "Huyền thoại mùa thu".
The Guardian nhận định Huyền thoại mùa thu chinh phục độc giả bằng câu chuyện xúc động và lối văn mộc mạc. Tác phẩm truyền cho độc giả niềm say mê bất tận với cuộc đời dù ở hoàn cảnh khó khăn đến đâu.
Huyền thoại mùa thu được chuyển thể lên màn ảnh rộng năm 1994, có Brad Pitt đóng chính. Phim đoạt giải Oscar cho hạng mục "Quay phim xuất sắc".

Hội sách Mùa xuân 2016 thu hút giới trẻ

Phần lớn độc giả có mặt tại buổi khai mạc Hội sách Mùa xuân sáng 30/3 là học sinh, sinh viên, nhiều trong số đó ra về với giỏ sách đầy.
hoi-sach-mua-xuan-2016-thu-hut-gioi-tre
Hội sách Mùa xuân 2016 có sự tham gia của Nhà xuất bản Phụ Nữ, Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Trẻ. Buổi khai mạc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội sáng 30/3 không quá đông nhưng khá thu hút giới trẻ.
hoi-sach-mua-xuan-2016-thu-hut-gioi-tre-1
Các gian hàng đều để mức giá giảm lên tới 50% và nhiều quầy đồng giá 5.000 đồng, 10.000 đồng...
hoi-sach-mua-xuan-2016-thu-hut-gioi-tre-2
Bạn Tăng Tự Minh Kiên - học sinh lớp 7G trường THCS Tô Hoàng, Hà Nội - cùng chị gái say sưa chọn sách. Kiên cho biết em tới để tìm mua thêm các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh - tác giả mà em đọc từ năm lớp bốn. Ngoài ra, Kiên cũng quan tâm tới quầy truyện tranh và sách học tiếng Nhật. Cậu bé nói: "Đây là lần thứ 99 em tới các hội sách, mỗi lần đi về em đều đánh dấu vào lịch cá nhân". Hội sách có nhiều truyện tranh độc cùng các chương trình giảm giá là yếu tố thu hút Kiên. 
hoi-sach-mua-xuan-2016-thu-hut-gioi-tre-3
Khá nhiều sách dành cho giới trẻ được bày bán.
hoi-sach-mua-xuan-2016-thu-hut-gioi-tre-4
hoi-sach-mua-xuan-2016-thu-hut-gioi-tre-5
Bạn Vũ Cẩm Vân - sinh viên Học viện Ngân hàng - chăm chú tại quầy sách. Sách của Nguyễn Nhật Ánh được các bạn trẻ khá quan tâm.
hoi-sach-mua-xuan-2016-thu-hut-gioi-tre-6
Một độc giả với giỏ sách trên tay.
hoi-sach-mua-xuan-2016-thu-hut-gioi-tre-7
hoi-sach-mua-xuan-2016-thu-hut-gioi-tre-8
Bà Trâm, 76 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội nằm trong số hiếm độc giả cao tuổi có mặt trong buổi ra mắt. Bà là giáo viên về hưu, đến Hội sách mua cho các cháu. Bà Trâm chọn các cuốn truyện cổ tích Việt Nam bản song ngữ, sách thường thức cuộc sống, thiên nhiên.
hoi-sach-mua-xuan-2016-thu-hut-gioi-tre-9
Nhiều loại sách được bày bán tại Hội sách.
hoi-sach-mua-xuan-2016-thu-hut-gioi-tre-10
Các cuốn sách được độc giả lựa chọn tại quầy thanh toán.
hoi-sach-mua-xuan-2016-thu-hut-gioi-tre-11
Hội sách Mùa xuân cũng dành không gian tư vấn khởi nghiệp cho giới trẻ bên trong hội trường.

Tuesday, 2 February 2016

Sách về ông Nguyễn Bá Thanh được xuất bản

Gần 400 trang sách là những câu chuyện xúc động về ông Nguyễn Bá Thanh từ thời niên thiếu đến dấu ấn 17 năm làm lãnh đạo giúp Đà Nẵng "thay da đổi thịt".
 
"Nguyễn Bá Thanh - một người con của Đà Nẵng" do thạc sĩ Nguyễn Kim Thành (Đại học Văn hóa Hà Nội) tổng hợp và biên soạn. Đây là cuốn sách đầu tiên viết về ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, ra mắt nhân một năm ngày giỗ của ông.

Cuốn sách ghi lại những câu chuyện về vị lãnh đạo đã thực sự "đánh thức" Đà Nẵng từ ngày tách khỏi tỉnh Quảng Nam để trở thành thành phố trực thuộc trung ương, cho đến một đô thị "đáng sống" nhất Việt Nam.

sach-ve-ong-nguyen-ba-thanh-duoc-xuat-ban
Cuốn sách được phát hành nhân một năm ngày giỗ ông Nguyễn Bá Thanh.

Cuốn sách được chia làm 3 phần. Trọng tâm nằm ở phần "Dấu ấn", tổng hợp những đột phá của vị nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khi nắm các cương vị lãnh đạo như chương trình thành phố "năm không, ba có", trọng dụng nhân tài hay các cuộc đối thoại "đậm chất" Nguyễn Bá Thanh với nhiều câu nói để đời "cứ mãi lộ rồi cũng phải bị lộ, dân biết hết", "cán bộ phải có văn hóa xấu hổ", "bớt xén của người bất hạnh là không thể tha thứ"...

Cuốn sách có bốn trang bàn về việc chống tham nhũng của ông Nguyễn Bá Thanh, ngắn gọn nhưng khái quát được quyết tâm không khoan nhượng của nguyên trưởng ban Nội chính Trung ương. Ông Bá Thanh chỉ ra tham nhũng trong xây dựng cơ bản không phải ở vài thứ sắt, thép, xi măng nhỏ lẻ mà chính từ khâu thiết kế nâng khống khối lượng, móc nối với các đơn vị thi công để đút túi tiền chênh lệch.

Ông Bá Thanh từng khẳng định "cho hốt liền, không nói nhiều" với tội phạm tham nhũng, thẳng thắn chỉ ra "không ít cán bộ có cái thói vừa ăn vừa phá", kèm theo dẫn chứng: "Như chuyện rước cái tàu cũ rích của người ta về, nó đang giá một đồng, ông về hô lên 5 đến 7 đồng. Chừ ôm đống sắt vụn bán cũng không có người mua. Mình làm kinh tế phải đóng góp vô, phải ra đồng tiền bát gạo để chăm lo cho dân nhưng đằng này lại vừa ăn vừa phá...".

Dành riêng một phần về ký ức của người thân hay những người từng sát cánh cùng ông Nguyễn Bá Thanh, tác giả ghi lại những câu chuyện thú vị của một vị lãnh đạo gần dân, được lòng dân từ ngày làm chủ nhiệm hợp tác xã Hòa Nhơn 3 đến những việc làm "không giống ai" như gặp mặt đối thoại với thanh thiếu niên hư, những ông chồng vũ phu, xây bệnh viện miễn phí cho người nghèo mắc bệnh ung thư...

sach-ve-ong-nguyen-ba-thanh-duoc-xuat-ban-1
Lúc sinh thời, ông Nguyễn Bá Thanh là một lãnh đạo gần dân. Ảnh: Nguyễn Đông.

Nhà sử học Dương Trung Quốc trong Lời tựa đánh giá dấu ấn đậm nét nhất của Nguyễn Bá Thanh là những gì ông làm, đã đổi thay diện mạo, cảnh quan về nếp sống của một thành phố luôn hướng tới mục tiêu trở thành "nơi đáng sống nhất" cho mọi người trong gần hai thập kỷ qua. Thành phố đó có một không gian được quy hoạch hợp lý, những công trình ngày một khang trang, những tập quán sống lành mạnh mang "thương hiệu Đà Nẵng"...

Nhà sử học đánh giá: "Những bài viết trong cuốn sách không to tát. Những cảm nghĩ rất đời thường, những kỷ niệm thật khó quên... của những người viết - thuộc nhiều tầng lớp xã hội, nghề nghiệp khác nhau - là những nén hương thơm góp lại thành một bó hương tưởng nhớ tới người vừa mới chia tay chúng ta".

Sách do Nhà xuất bản Thông tấn phát hành trên toàn quốc, in 700 cuốn. Buổi giới thiệu sách sẽ diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 29/1.

Nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh từ trần ngày 13/2 (ngày 25 tháng Chạp) tại nhà riêng sau một thời gian lâm bệnh rối loạn sinh tủy, hưởng thọ 62 tuổi. Ông được an táng tại nghĩa trang gia tộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Trong vòng 17 năm, ông Thanh giữ các chức vụ bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND Đà Nẵng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng và là người được đánh giá "nói được làm được", giúp Đà Nẵng "lột xác" trở thành một đô thị trẻ đang trên đà phát triển.

Hội Nhà văn Việt Nam mừng mùa giải nhiều thành tựu

Giải thưởng thường niên và giải Tiểu thuyết của Hội Nhà văn trong năm 2015 mang tính phát hiện, tôn vinh nhiều tác phẩm xứng đáng.
 
Sáng 2/2 tại Bảo tàng Văn học, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ trao giải thường niên năm 2015 và Giải Tiểu thuyết lần thứ tư (2011 - 2015). Lãnh đạo Hội nhà văn, đông đảo hội viên, tác giả đều mừng một mùa giải đã tìm ra nhiều tác phẩm chất lượng, mới mẻ.

hoi-nha-van-viet-nam-mung-mua-giai-nhieu-thanh-tuu
Nhà thơ Hữu Thỉnh (thứ ba, trái) trao giải cho các tác giả của cuộc thi tiểu thuyết. 

Ở Giải thưởng Văn học năm 2015, thay vì mỗi hạng mục có một tác phẩm đứng đầu, ba lĩnh vực văn xuôi, thơ, lý luận - phê bình có tới hai tác phẩm xuất sắc. Cụ thể, tập truyện ngắn Kỳ nhân làng Ngọc của Trần Thanh Cảnh và tiểu thuyết Thông reo ngàn hống của Nguyễn Thế Quang đoạt giải lĩnh vực văn xuôi. Tập thơ Vườn khuya của Trần Hùng và trường ca Long mạch của Hoàng Trần Cương đoạt giải hạng mục thơ. Lĩnh vực Lý luận - phê bình vinh danh hai công trình nghiên cứu Âm thanh của tưởng tượng (Lê Hồ Quang) và Các lý thuyết nghiên cứu văn học ảnh hưởng và tiếp nhận từ ngày đổi mới đến nay (Nguyễn Văn Dân). Giải thưởng Tiểu thuyết tuy chưa tìm được tác phẩm đỉnh cao, song trao cho 12 tiểu thuyết. Trong đó có ba câu chuyện gây ấn tượng, gồm: Người thứ hai (Tô Hải Vân), Chim ưng và chàng đan sọt (Bùi Việt Sỹ), Mảnh vỡ của mảnh vỡ (Vĩnh Quyền).

Về chất lượng tác phẩm đoạt giải, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn - nhận xét: "Mỗi tác phẩm một thi pháp riêng, những vấn đề riêng của con người và xã hội. Điều đó làm nên sự phong phú của thể loại cũng như tính đa dạng của đề tài". Đi sâu vào từng tác phẩm, ông cho rằng Kỳ nhân làng Ngọc mang tới cái nhìn cận cảnh về số phận con người nhỏ bé nơi làng quê, từ đó dự báo sự đổi thay của nông thôn. Thông reo ngàn hống của Nguyễn Thế Quang dựng lại thời đại đã qua một cách sinh động. Tiểu thuyết có tư duy trầm tĩnh, đầy trách nhiệm về lịch sử, mang tới bài học cho thời đại hôm nay. Hai cuốn thơ được giải - một mang vẻ đẹp thuần khiết, tĩnh lặng (Vườn khuya), một vang lên nét khỏe khoắn của đời sống (trường ca Long mạch). Hai công trình nghiên cứu thể hiện sự công phu trong công tác khoa học, kết hợp với mỹ học, tạo nên sự mới mẻ cho phê bình lý luận. 

Các tác phẩm vào chung khảo giải Tiểu thuyết cũng có sự đa dạng so với kỳ trước. Ở đề tài chiến tranh, ba tác phẩm Miền hoang (Sương Nguyệt Minh), Mảnh vỡ của những mảnh vỡ (Vĩnh Quyền), Vùng sâu (Tô Nhuận Vỹ) đều lấy điểm nhìn của ngày hôm nay để soi rọi quá khứ. Do đó tác phẩm không chỉ nói về cuộc hành quân, súng đạn mà còn bàn về nhiều mặt của chiến tranh.

Đề tài lịch sử, truyền thuyết có hai cái tên vào chung khảo là Chim ưng và chàng đan sọt (Bùi Việt Sỹ) và Ngược mặt trời (Nguyễn Một). Các tác phẩm viết không nệ sử, kể câu chuyện đã qua nhưng gắn với vấn đề đương đại. Nhiều tác phẩm thuộc mảng đề tài xã hội ngày nay. Nhóm này tạo thành một dòng văn học chống cái ác, cái xấu, chống sự phi lý đang đầy lên trong xã hội. 

hoi-nha-van-viet-nam-mung-mua-giai-nhieu-thanh-tuu-1
Lễ trao giải là dịp để các tác giả gặp mặt, trò chuyện.

Không chỉ thành công về chất lượng, hai giải thưởng năm nay mang yếu tố phát hiện. 

Nhà thơ Hữu Thỉnh nói: "Trong số các tác giả đoạt giải, có nhiều người chưa phải là hội viên Hội Nhà văn, nhiều người chưa từng tới trụ sở Hội và hôm nay lần đầu tôi được gặp mặt. Nhưng hội đồng xét giải đã đón nhận đứa con tinh thần của các tác giả mới và phát hiện nhiều tác phẩm tốt cho văn học nước nhà". Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng không chỉ có những người mới cầm bút mang tới giọng điệu lạ, giải thưởng năm nay cũng tôn vinh nhiều tác giả có kinh nghiệm biết làm mới mình.

Tác giả Trần Thanh Cảnh bày tỏ niềm hạnh phúc khi nhận giải cao nhất hạng mục văn xuôi. Ông là doanh nhân, cầm bút từ năm 2013 như một nhu cầu tự thân. Tập truyện ngắn đầu tiên mới ra mắt đã được trao giải thưởng cao quý. Trần Thanh Cảnh cho biết ông là người ngoại đạo văn chương nên giải thưởng không là áp lực, nhưng là động lực lớn cho ông tiếp tục hoàn thiện các tiểu thuyết dang dở.

Vui mừng với thành quả song lãnh đạo Hội Nhà văn cũng băn khoăn với khuyết thiếu của hai giải. Nhà văn Nguyễn Trí Huân cho rằng việc không tìm được tác phẩm trao giải nhất khiến giải thưởng Tiểu thuyết chỉ thành công ở diện rộng mà chưa thực sự thuyết phục ở bề sâu. Ông nói: "Một nền văn học không thể lớn nếu không có tác phẩm lớn". Nhà thơ Hữu Thỉnh trăn trở cách đưa tác phẩm đoạt giải đến với bạn đọc. Ông cho rằng chất lượng tác phẩm của giải thưởng đôi khi không đi đôi với thị trường. Để quảng bá rộng rãi những tác phẩm đoạt giải, Chủ tịch Hội Nhà văn chỉ đạo các tạp chí, cơ quan ngôn luận của Hội thực hiện nhiều tọa đàm, đăng tải các bài viết, phê bình.
 
Blogger Templates