Pages

Subscribe:

Thursday, 10 December 2015

Ma Văn Kháng ra mắt tiểu thuyết ở tuổi 79

"Người thợ mộc và tấm ván thiên" là tiểu thuyết mới nhất của nhà văn, vừa được nhà xuất bản Trẻ phát hành.
 
Ma Văn Kháng là cây bút lão luyện của làng văn. Sau gần 30 cuốn sách cả tiểu thuyết, tập truyện ngắn lẫn tản văn, ông vẫn ra sách đều ở tuổi gần 80. Người thợ mộc và tấm ván thiên được ông viết trong khoảng ba năm, từ 2012 tới 2014. Tác phẩm mới đến với bạn đọc đầu tháng 12.

ma-van-khang-ra-mat-tieu-thuyet-o-tuoi-79
Bìa sách "Người thợ mộc và tấm ván thiên".

Tác giả cho biết ông viết tiểu thuyết này từ câu chuyện của người bạn - một thanh niên lên vùng cao dạy học. Người bạn bị sa thải oan uổng nhưng chọn cuộc sống lao động thanh sạch, quyết không trả thù để giữ cốt cách.

Xúc động trước câu chuyện của bạn, Ma Văn Kháng đã cầm bút, viết nên tiểu thuyết. Nhân vật chính của tác phẩm là Quang Tình - một thanh niên 19 tuổi miền xuôi tình nguyện lên vùng cao dạy học. Với nhiệt tình, say mê và lý tưởng, anh muốn mang ánh sáng văn hóa cho trẻ em vùng cao. Sau một thời gian cống hiến, thầy Quang Tình được điều về dạy ở trường Bổ túc Văn hóa Công Nông cho các cán bộ cơ sở miền núi.

Đứng đầu cơ sở giáo dục là một người có thiên kiến nặng nề với những ai xuất thân từ tầng lớp không phải công nông. Giữa Quang Tình và người quản lý có nhiều bất hòa, khiến anh bị sa thải khỏi ngành. Vợ của anh cũng bị liên lụy.

Thầy Quang Tình rơi vào cảnh không nghề nghiệp, không tiền bạc, không đất đai, có con thơ vợ dại cần chăm sóc. Người trí thức bắt tay vào công cuộc mưu sinh gian khó với đủ nghề cực nhọc. Cuối cùng, anh học nghề mộc. Với sự chăm chỉ, khéo léo, lòng kiên trì, Quang Tình dần trở thành người thợ lành nghề, có thể nuôi được vợ con. 

Khi có cơ hội trả thù người đã đẩy mình đến khốn khó, Tình chọn sự tha thứ để giữ cốt cách thanh cao. Là một trí thức chuyển sang làm công việc chân tay nặng nhọc nhưng Tình tìm thấy con người mình. Anh tìm thấy lẽ sống, sự an nhiên ở chính cái đáy mà mình rơi xuống. 

ma-van-khang-ra-mat-tieu-thuyet-o-tuoi-79-1
Nhà văn Ma Văn Kháng (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn từng dạy học cùng ở miền núi phía Bắc.
Người thợ mộc và tấm ván thiên kể câu chuyện với những nhân vật gắn với hoàn cảnh, biến cố thời cuộc một cách hấp dẫn. Bên cạnh đó, thông qua nhân vật Quang Tình, tiểu thuyết đưa ra một nhân sinh quan về cuộc đời, con người và sự hướng thiện.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn: 'Trang Thế Hy là người thầy lớn của tôi'

Với Cao Xuân Sơn, Trang Thế Hy là nhà văn Nam bộ nghiêm cẩn với chữ nghĩa bậc nhất, dụng công với tiết tấu, nhịp điệu câu văn bậc nhất.
 
- Nhà văn Trang Thế Hy qua đời sáng 8/12. Là người gắn bó với ông, cảm giác của anh ra sao?

- Sáng sớm 8/12, điện thoại tôi rung lên. Tin dữ đến với tôi từ số máy của nhà văn Trần Đức Tiến - được chuyển tiếp từ tin nhắn của nhà văn Vũ Hồng. Tôi "rơi tự do" mất một lúc sau mới kịp định thần. Cổ họng tôi đột nhiên đắng nghét. Mới mấy hôm trước, tôi cùng đoàn cán bộ Nhà xuất bản Kim Đồng đi giao lưu ở Bạc Liêu - Cà Mau và tham quan Đất Mũi theo chương trình hoạt động của Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch. Trên đường về, tôi định rủ họa sĩ Tô Chiêm và chị Lê Thị Dắt (giám đốc Dự án) tranh thủ thời gian ghé qua tỉnh Bến Tre thăm ông Tư (cách gọi thân mật nhà văn Trang Thế Hy).

Ngặt nỗi, ngoài anh em NXB Kim Đồng, trong đoàn còn có nhà văn Sally Altschuler - Phó Chủ tịch hội Nhà văn Đan Mạch - và họa sĩ Tove Krebs Lange cùng đi. Hai vị này đã lớn tuổi, lần đầu ngồi xe đường dài đi về mảnh đất cực Nam của nước ta nên họ đều đã thấm mệt. Nếu đoàn dềnh dàng nữa, sợ phiền cho họ. Tôi đành tặc lưỡi theo cao tốc Trung Lương về Sài Gòn luôn trong chiều để hôm sau các vị khách kịp bay ra Hà Nội. Lúc ấy, bụng bảo dạ: thôi lỡ rồi, để trước Tết rủ rê vài anh em xuống thăm ông Tư luôn thể. Nào ai có ngờ...

Nhà văn Trang Thế Hy
Chân dung nhà văn Trang Thế Hy qua tranh vẽ.

- Anh có kỷ niệm sâu sắc nào với nhà văn?

- Kỷ niệm đáng nhớ nhất ư? Bây giờ, hết thảy những gì về ông còn lại trong ký ức tôi đều đáng nhớ. Đâu đó chừng năm năm, tôi được ở gần ông trước khi ông "đi chỗ khác chơi" - nghĩa là về quê sống hẳn với vợ con, với ngôi nhà, mảnh vườn thơ ấu.

Trong năm năm đó, ngoài những con chữ, những trang văn rỉ rả, phảng phất buồn như những buổi chiều nhìn mưa dầm, bên chén rượu, tôi có dịp được "đọc" lai rai những trang đời cũng cơ bản là buồn của ông. Một số truyện ngắn sau này của ông như: Rác và Hoa, Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn, Người bào chế thuốc giảm đau, Tiếng khóc và tiếng hát... tôi hay được ông đọc cho nghe những đoạn đắc ý trước khi gửi chúng đến nhà xuất bản.

Có nhiều đoạn hình như vừa viết xong ông đã thuộc, bởi ông đọc mà không cần nhìn vào giấy. Cơ hồ trước đó, ông đã "viết" chúng trong đầu cả chục lần. Biết tôi xuất thân nghề giáo, lại cũng thật bụng biết "sợ chữ", đôi khi ông mang luôn cả những xấp bản thảo viết tay còn "nóng hổi" sang tận nhà thằng nhỏ người Bắc là tôi để nhờ coi lướt chánh tả. Khó mà bắt lỗi ông, dù chỉ là một dấu chấm, phẩy hay dấu chấm phẩy. Có lẽ, ông chính là nhà văn Nam bộ nghiêm cẩn với chữ nghĩa bậc nhất, thích viết câu dài nhất, dụng công với tiết tấu, nhịp điệu câu văn bậc nhất mà tôi biết.

- Anh cảm nhận được gì qua những tâm tư của cố nhà văn về nghề viết, về thế thái nhân tình?

- Khi ở gần ông, hay sau này thỉnh thoảng có dịp ghé về Bến Tre thăm và trò chuyện với ông, tôi luôn nhận thấy ẩn sau đôi mắt ưa nhìn xuống, vóc dáng nhỏ nhắn, lầm lụi của ông là một Trang Thế Hy tinh tế, "nói vậy mà không phải vậy". Ông bám rất sát thời sự cuộc sống, thời sự văn chương. Tuy nhiên, lạ một điều là ông già Nam bộ này rất dị ứng với ti vi, coi ti vi là một cỗ máy giết thời gian nguy hại với người viết văn. Ông bảo nó dễ làm người ta chết chìm trong biển thông tin. Dường như trong ông luôn có những vấn đề "nóng" để nghĩ, không phải những tin tức "nóng" để tò mò. Tôi chưa từng thấy ông hăng hái cao đàm khoát luận hay để mình bị cuốn theo những chuyện thị phi, thế thái nhân tình. Nhưng về nghiệp chữ nghề văn thì tâm tư ông luôn đau đáu.

Trang Thế Hy được văn giới mệnh danh là
Trang Thế Hy được văn giới mệnh danh là "Người hiền đất Nam Bộ". 

- Anh ấn tượng gì qua các tác phẩm của Trang Thế Hy?

- Cả trong văn và ngoài đời, ông thường ứng xử một cách nhẹ nhàng, nhẫn nhịn nhưng rất nguyên tắc: "Cái gì không hoặc chưa kịp yêu mến thì không giả bộ yêu mến".

Ông mê Lỗ Tấn, E. Hemingway, có thể đọc thuộc lòng nhiều lần cho mọi người nghe cả trang văn xuôi của hai vị tiền bối đó, cũng như những bài thơ dài ngoằng của R. Tagore do chính ông chuyển ngữ. Riêng với văn chương nước nhà, ông thấm thía, nằm lòng từng câu Kiều, dành trọn sự tâm đắc, thán phục bất di bất dịch đối với di sản thơ chữ Hán của Nguyễn Du.

Sáng tác của ông có nhiều dằn vặt, trăn trở về sứ mạng nhà văn, nghề văn, về sự hữu ích, tính "mua vui" của văn chương... Lũ hậu sinh như chúng tôi, mỗi khi có dịp tề tựu thường được ông sẻ chia những kinh nghiệm bếp núc của nghề viết, những bài học xương máu nơi trường văn trận bút hay đôi khi chỉ là những nét rắc rối, thú vị, ngộ nghĩnh của chữ nghĩa trong lời ăn tiếng nói Bắc - Nam...

Với tôi, ông là người thầy dạy nghề lớn nhất, nghiêm khắc và độ lượng. Từng ngày từng ngày, ông tập cho tôi cách vừa bầu bạn, vừa rắn rỏi chống chọi lại kẻ thù lớn nhất của mình - nỗi buồn.

- Theo anh, đóng góp lớn nhất của Trang Thế Hy cho văn học đương đại Việt Nam nằm ở đề tài nào?
- Tôi thấy đóng góp lớn nhất của ông không hẳn nằm ở đề tài này nọ mà ở chất văn, ở giọng điệu. Hồi còn nhỏ, ở miền Bắc, lũ chúng tôi chỉ biết văn học kháng chiến Nam bộ qua tác giả Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Viễn Phương. Sau đó chúng tôi được đọc thêm Sơn Nam, Vũ Hạnh, Trần Kim Trắc...

Nhưng Trang Thế Hy với tôi mới thực sự khác lạ. Những trang viết của ông khiến tôi nhận ra kẻ sĩ không chỉ "Bắc Hà" và tài tử, uyên thâm... không hẳn chỉ một Nguyễn Tuân. Câu văn Trang Thế Hy dàn trải, buông tỏa phóng túng như kênh mương dẫn nước lên vườn, tưởng miên man vô hướng nhưng kỳ thực đều có kiểm soát. Còn nếu nói về đề tài, đóng góp lớn nhất của Trang Thế Hy theo tôi chính là những đào xới, biện giải rốt ráo của ông xoay quanh mối quan hệ nghệ sĩ và thời cuộc.

Các bạn văn thế hệ sau về thăm Trang Thế Hy tại quê nhà ông ở Bến Tre
Các cây bút thế hệ sau về thăm Trang Thế Hy tại quê nhà ông ở Bến Tre năm 2011. Ảnh: Cao Xuân Sơn

- Nhiều người nhớ đến Trang Thế Hy là một nhà văn nhưng gần 50 năm cầm bút, Trang Thế Hy còn sáng tác khoảng 20 bài thơ, trong đó có 13 bài được in thành sách. Là một nhà thơ, anh đồng điệu với tác phẩm của ông ra sao?

- Thật thú vị ở chỗ là nhà văn nhưng ông luôn là một độc giả tinh tường, cũng đồng thời là một người tình chung thủy và chưa bao giờ hờ hững của thi ca. Ông đọc nhiều, am tường thơ kim cổ, dịch nhiều thơ Tagore, sau này thích cả Rasul Gamzatov, Omar Khayyam... Hơn một lần ông xây dựng nhân vật truyện ngắn của mình là nhà thơ (Thèm thơ, Con mèo hoang và nhà thơ có gia cư...). Bởi vậy, trong văn ông luôn có giai điệu và thơ ông ít khi có vần.

Thơ ông không nhiều nhưng luôn khiến tôi ngạc nhiên. Nó tự nhiên mà hiện đại hơn nhiều thơ của một số nhà thơ luôn nghĩ mình hiện đại. Sẽ thật đáng tiếc nếu nhắc đến ông mà quên nhắc đến những bài thơ hay: Về món đồ chơi của tuổi thơ nghèo, Lời nói dối nhân ái, Tấm vé số và những thiên đường có sẵn, Người bạn đường có tên là hy vọng...

- Vị trí của nhà văn Trang Thế Hy trong làng văn đương đại Việt Nam chưa được nhìn nhận một cách đúng tầm. Anh chia sẻ suy nghĩ gì về nhận định này?

- Đó là một nỗi xấu hổ của những người có trách nhiệm và là niềm ngơ ngác, xót xa của những người yêu mến Trang Thế Hy. Tuy nhiên, với riêng ông, tôi luôn nghĩ, trước đây cũng như giờ này, ông luôn đủ độ lượng để tha thứ cho tất cả.

Biên tập viên không có chứng chỉ, sách không được xuất bản

Từ 1/1/2016, các biên tập viên buộc phải có chứng chỉ hành nghề thì cuốn sách họ biên tập mới được cho phép xuất bản. 
 
 Sáng 9/12 tại Hà Nội, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức lễ trao chứng chỉ hành nghề biên tập. 800 biên tập viên là nhân sự của các nhà xuất bản đang hoạt động trên cả nước được nhận chứng chỉ này. Những người được cấp chứng chỉ phải qua khóa đào tạo nghiệp vụ và pháp luật xuất bản tổ chức trong năm 2015. 

bien-tap-vien-khong-co-chung-chi-sach-khong-duoc-xuat-ban
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn (giữa) trao chứng chỉ hành nghề biên tập cho đại diện các nhà xuất bản.

Ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục Xuất bản – cho biết từ ngày 1/1/2016, Cục chỉ nhận lưu chiểu với những cuốn sách được biên tập bởi các biên tập viên có chứng chỉ hành nghề. Không chỉ có biên tập viên, các giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản cũng phải có chứng chỉ này. Nếu người đứng đầu nhà xuất bản không có chứng chỉ, sách của đơn vị đó cũng không được nhận lưu chiểu.

Song song với việc cấp chứng chỉ hành nghề, Cục Xuất bản sẽ đăng tải công khai trên mạng các thông số về những cuốn sách đã xuất bản. Người mua sách có thể tra đủ thông tin về tên sách, tác giả, dịch giả, người biên tập, người chịu trách nhiệm xuất bản... 

Việc làm này của Cục là một bước chấp hành Luật Xuất bản có hiệu lực từ năm 2013. Luật này nêu rõ tiêu chuẩn của một biên tập viên và giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản phải "hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông" và "có chứng chỉ hành nghề biên tập do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp".
Ông Trương Minh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - nói việc cấp chứng chỉ hành nghề không chỉ khẳng định vị trí, vai trò của biên tập viên mà còn đặt ra trách nhiệm của họ đối với xã hội.

Các khóa bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ vừa qua dự kiến đào tạo khoảng 800 người, nhưng thực tế có hơn 1.000 người theo học. Cục trưởng Cục Xuất bản nói: "Điều đó cho thấy có những người không thuộc diện được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng họ vẫn tới theo học để nâng cao trình độ, kiến thức". 

Ông Vũ Văn Hùng - Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - nói về ý nghĩa của việc cấp chứng chỉ hành nghề biên tập: "Nhà xuất bản chúng tôi có điều kiện đi giao dịch với nhiều đơn vị xuất bản, tạp chí quốc tế. Chức danh Editor (biên tập viên) của họ rất danh giá. Việc cấp chứng chỉ hành nghề của chúng ta hiện nay là một vinh dự cho những người làm nghề biên tập. Với chứng chỉ đã có được, các biên tập viên sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm với sản phẩm của mình".

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc Nhà xuất bản Phụ Nữ - cho rằng việc dựa trên thẻ biên tập để nhận lưu chiểu sách là một bước đi quan trọng, thể hiện sự chuyên nghiệp của ngành xuất bản.

Hồi ký Thương Tín: 'Mẹ tổ chức lễ giỗ cho tôi năm 12 tuổi'

"Có một bữa, năm tôi 12 tuổi, cả gia đình làm tiệc lớn linh đình... không giấu được sự tò mò, tôi hỏi mẹ: “Đám giỗ ai mà lớn vậy mẹ?”. Bà trả lời: “Thì đám giỗ con chứ ai”
 
Cuốn Hồi ký Thương Tín - Một cuộc đời giông bão ra mắt bạn đọc cả nước vào ngày 9/12. Sách được nam diễn viên kỳ cựu và nhà báo, nhà thơ Đinh Thu Hiền thực hiện trong gần hai năm. Thương Tín kể chuyện và Đinh Thu Hiền giúp anh viết lại chuyện đời. Thời gian của cả hai đều rất eo hẹp. Nam diễn viên thường xuyên đi theo các đoàn phim, hoặc nếu rảnh thì tranh thủ về Phan Rang để chăm con gái nhỏ, còn Đinh Thu Hiền phải vừa đi làm trong tòa soạn báo, vừa sắp xếp việc gia đình. Tuy vậy, cả hai đã cố gắng hết sức để cuốn sách kịp ra mắt.

Diễn viên Thương Tín (trái) và nhà báo Đinh Thu Hiền.
Diễn viên Thương Tín (trái) và nhà báo Đinh Thu Hiền.

"Tôi xin cám ơn tất cả mọi người đang cầm trên tay cuốn sách này. Và xin tri ân cả những biến cố trong cuộc đời đã mang đến cho tôi những sắc màu vô cùng phong phú. Nhờ vậy mới có một nghệ sĩ Thương Tín mà các bạn đã nghe, đã thấy, đã xem và đã biết", diễn viên Thương Tín tâm sự.

VnExpress trích đăng một số chương trong cuốn sách.

Chương I: Tuổi thơ nhiều biến động

Ba tôi, những năm trước Giải phóng, làm thanh tra y tế vùng nên cứ vài năm lại đưa cả gia đình di chuyển đi các tỉnh sinh sống theo công việc của ông. Từ Quy Nhơn, gia đình tôi ra Huế, rồi lại lên Buôn Mê Thuột, và cuối cùng xuống Phan Rang. Sự kiện 1975 diễn ra, gia đình chúng tôi đang sống tại Phan Rang nên nhiều người lầm tưởng đây là quê của tôi, nhưng thực ra gốc gác của tôi lại ở tận Phú Yên.

Tôi sinh ra đã khó nuôi. Người ta nói con đầu, cháu sớm được cưng chiều lắm. Là anh đầu của tám người em, tôi đã được cưng chiều như trứng mỏng. Bởi vậy, khi thầy bói nói cần đưa tôi vô chùa thì mới hy vọng sống qua tuổi 12, thì ngay lập tức, hàng tuần ba mẹ đưa tôi tới chùa và đeo bùa ở cổ. Mỗi tuần, gia đình đều bắt tôi chui đầu vào chiếc chuông chùa bằng đồng rất bự ở trong chùa và gõ ở bên ngoài. Tiếng chuông rền lên, đập vào tai của tôi thanh âm lớn đến mức tôi cảm giác như tiếng chuông xuyên qua màng nhĩ từ tai trái sang tai phải. Những tiếng u u ong ong vang mãi không ngớt, dù cho tôi đã đi ra hẳn bên ngoài. Phải nói là cực kỳ khó chịu, như bị tra tấn. Tôi nhớ mãi điều này bởi nó ám ảnh tôi suốt đời. Để xua đi tà khí, ma quái mà tôi phải gồng người lên chịu đựng. Được một thời gian, mọi người chắc cũng đã chán, chẳng bắt chui vào chuông để gõ nữa, tôi vui mừng đến mức không cách nào tả nổi.

Bìa sách "Một đời giông bão".
Bìa sách "Một đời giông bão".

Sau bao nhiêu lần di chuyển cuộc sống cùng với cả nhà, trong tôi đã hình thành ước muốn phiêu lưu, dù cho hầu hết các thành viên của gia đình thì đều theo nghề y dược. Ba tôi ngày ấy, và các em tôi hiện nay, đều hành nghề y dược, chỉ riêng tôi là dấn thân vào cuộc đời sương gió.

Những ngày còn nhỏ, thời gian sống ở Huế, tôi thường lên chùa Từ Đàm, Nam Giao chơi. Tôi nhớ mãi có một ngày thấy xe tăng chạy đầy đường. Ba tôi ở nhà trùm mền kín mít để nghe radio. Đó là năm 1963, diễn ra sự kiện đảo chính Ngô Đình Diệm và đàn áp Phật giáo. Nhưng tôi vẫn ngày ngày lên chùa chơi. Ở ngay dốc Nam Giao là căn nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngôi nhà đó rất nhỏ, tôi biết rõ đến từng đường viền rêu ở ngoài bờ tường, nằm mang dáng vẻ khá cô đơn. Sau này ở Sài Gòn tôi mới gặp được anh Sơn, khi anh đã nằm trên giường bệnh. Hai anh em tôi mạn đàm rất nhiều chuyện, từ kim sang cổ, từ Đông sang Tây và các thông tin xưa kia gắn kết với nhau. Tôi nghiệm ra được điều này, vạn sự trên đời đều có cái duyên định trước. Vì sao trong hàng ngàn hàng vạn người trên cõi đời này, ta lại gặp người này mà không phải là người kia; vì sao phải là sự vật này mới gắn được vào đúng người đó, chứ không phải là sự vật khác hoặc ai khác?!

Có một bữa, năm tôi 12 tuổi, cả gia đình làm tiệc lớn linh đình, cúng heo quay và chuẩn bị rất nhiều đồ cúng khác. Người thân người quen ra vào tấp nập. Tôi lăng xăng chạy tới chạy lui, cứ từ nhà xuống bếp rồi từ bếp ra sân. Cuối cùng không giấu được sự tò mò, tôi hỏi mẹ: “Đám giỗ ai mà lớn vậy mẹ?”. Bà trả lời: “Thì đám giỗ con chứ ai!”. Cách bà nói trịnh trọng khiến tôi đứng tim vì sợ. 
Nhưng tôi cứ nghe vậy thôi mà không hiểu lắm. Chắc thấy vẻ mặt ngơ ngác của con trai, mẹ giải thích: ngày trước thầy bói nói nếu gia đình nuôi tôi qua được 12 tuổi thì cần làm đám giỗ để tạ ơn Trời Đất. Bởi tôi là đứa trẻ có số phận đặc biệt. Việc sống việc chết, việc vinh việc nhục cứ như trò chơi nhẹ nhàng hoán đổi, chẳng biết đâu mà lần.

Nghe thầy bói phán vậy, mẹ tôi phát sốt phát rét. Suốt bao nhiêu năm nuôi thằng con trai là tôi, dù đã rất ngay ngắn và chỉn chu đưa vô chùa làm phép đều đặn, nhưng mẹ tôi vẫn hồi hộp đến khó thở. Bà nói đã đếm từng ngày, từng ngày trôi qua, chờ mong tôi 12 tuổi để làm đám giỗ lớn, tiễn đi những điều xui xẻo. Và bữa nay thì nhất định phải cúng heo quay chứ không thể nào khác được.

Sau khi qua được vận hạn của tôi, gia đình tôi chuyển lên Buôn Ma Thuột theo công việc của ba. Mẹ tôi vui mừng vô cùng. Bà tin tưởng chắc chắn rằng, từ giờ trở đi tôi sẽ có một cuộc sống yên ổn và sức khỏe viên mãn.

Sự nghiệp học hành của tôi rất oái oăm. Tôi vào dạng học tài thi phận. Trong trường, tôi học giỏi tất cả các môn, giỏi toàn diện cả Văn lẫn Toán, luôn là người đứng đầu lớp. Ba mẹ tôi đều vô cùng hãnh diện về con trai mình. Và trong con mắt họ, tôi là một cậu bé mang về nhiều vinh dự cho gia đình.

Lần đó tôi đi thi để quyết định vô trường công được hay không. Nếu đậu, thì học không tốn tiền, nếu không thì phải vô trường tư hoặc bán công. Bình thường tôi học giỏi lắm, ấy thế mà trong kỳ thi ấy, chẳng hiểu sao tôi lại không làm đúng bài thi Toán. Đáp số ra trớt quớt.

Vì những tréo ngoe ấy, mà cả những tháng năm sau này, đời tôi chưa từng sở hữu bằng cấp nào cho ra hồn. Đến mức khi thi đậu vào Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, khoa Thoại kịch năm 1971 – 1975, đáng lẽ tôi sắp tốt nghiệp rồi thì Sài Gòn giải phóng. Bao nhiêu biến động diễn ra. 
Chúng tôi tạm thời ngưng mọi chuyện học hành lại. Tới khi một chế độ khác được thiết lập, tưởng chỉ cần tiếp tục học thêm chút ít nữa là xong, nhưng ai dè các thầy trong trường nói phải học lại từ đầu. 
Vậy là tháng 7/1975, tôi đành lót tót cắp cặp đi học tiếp, khoa Kịch nói của Trường Nghệ thuật sân khấu TP HCM. Và sau này, vì chuyện tình cảm cá nhân, tôi lại ra khỏi trường khi chưa cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay.

Hồi ký Thương Tín: 'Tôi nếm mùi đàn bà năm 13 tuổi'

Hé mắt ra, tôi giật bắn mình khi thấy bà mẹ trẻ - cô chủ của căn biệt thự đang nằm sát kế bên. Cả người cô tỏa ra mùi nước hoa thơm phức.
 
Cả ngày đi lang bang khắp nơi, phơi mặt phơi mũi ngoài biển nên tôi thấm mệt. Sau khi ngắm nghía mọi thứ đẹp đẽ xung quanh căn phòng, tôi mở cửa sổ ra, nhìn thấy vườn hoa hồng nở rộ bên dưới. Cả khu nhà tĩnh lặng, chỉ có thấp thoáng bóng dáng người bảo vệ thỉnh thoảng đi ra đi vô. Khoảnh khắc ấy, quả thiệt tôi cũng hơi nhớ nhà. Nhưng lại tặc lưỡi, thôi chơi ít bữa cho hết hè rồi lại về đi học tiếp.

Quay trở lại giường, tôi chẳng suy nghĩ gì nữa, duỗi chân tay cho bớt mỏi rồi chỉ ít phút sau là chìm vào giấc ngủ. Ở lứa tuổi 13, tâm thức trẻ nít thì đã qua nhưng lại chưa đủ độ trưởng thành, tôi cao lớn lộc ngộc mà đầu óc thì tồ tệch vô cùng. Vậy nên vừa đặt mình xuống giường là giấc ngủ ào tới như dòng thác, cuốn tôi đi vào cõi mộng ta bà.

Cuộc gặp gỡ địnih mệnh với người đàn trẻ năm 13 tuổi đeo đẳng một ký ức buồn trong Thương Tín.
Cuộc gặp gỡ định mệnh với người đàn trẻ năm 13 tuổi đeo đẳng một ký ức buồn trong Thương Tín.

Lãng đãng trong giấc mơ, tôi gặp một cô gái vô cùng gợi cảm và xinh đẹp (...) Tôi đột nhiên nhớ đến cái ôm hơi xiết lại, chật chội của cô Chanh mỗi khi cả lớp chụp hình; tôi nhớ đến khoảnh khắc nước mắt cô chảy xuống lúc tôi ghé nhà thông báo rằng sẽ chuyển chỗ ở. (...) Và chính vào lúc ấy, “người đàn ông 13 tuổi” là tôi gai hết cả người khi nhận biết được có bàn tay người phụ nữ đang ve vuốt và âu yếm mình. Không phải trong giấc mơ. Mà là sự thật đang hiển hiện. Hé mắt ra, tôi giật bắn mình khi thấy bà mẹ trẻ - cô chủ của căn biệt thự đang nằm sát kế bên. Cả người cô tỏa ra mùi nước hoa thơm phức (...).

Sau khi mọi chuyện kết thúc, người phụ nữ ấy vỗ vỗ vào má tôi, khen tôi đẹp trai rồi dặn đừng kể cho ai nghe. Cô xuống giường, tròng áo ngủ vào người với động tác nhanh nhẹn, dứt khoát. Sau đó đi ra khỏi phòng nhẹ như bước chân của con mèo, tiếng cửa đóng lại thiệt khẽ mà tôi tưởng như vang khắp cả căn biệt thự rộng lớn ấy. Tôi gật gật đầu sau lời dặn dò, mi mắt trĩu nặng vì buồn ngủ nhưng không ngủ lại được ngay. (...) Nỗi sợ vô hình đeo lấy tôi, bám lấy tôi khiến đêm ấy tôi chập chờn trong giấc ngủ.

Trời sáng, tôi trở dậy đi tắm. Cậu bé sáu tuổi kia mở cửa phòng rủ tôi xuống ăn điểm tâm và đi chơi xích đu ngoài vườn. Tôi líu ríu đi theo cậu bé, gặp mẹ cậu đang ngồi thoa kem chống nắng vào tay ở dưới phòng khách. Không dám nhìn thẳng vào người phụ nữ ấy, tôi lí nhí: “Chào chị”, rồi tới bàn ăn đặt trong bếp. Đồ ăn sáng gồm bánh mỳ, pho mát, khoai tây nghiền, mứt dâu và trứng ốp lết. Tôi quá đói bụng nên ăn sạch khẩu phần trên dĩa của mình. Ly nước cam ép đóng hộp cũng chui vào bụng tôi gọn hơ. Bữa ấy, tôi và cậu bé loăng quăng chơi trong vườn nhà, chán rồi thì lắp ráp đồ chơi trong phòng. Và ngủ trưa. Và ăn. Hết cả ngày.

Đêm thứ hai, tôi đi ngủ sớm. Ngủ chừng được 2-3 tiếng đồng hồ thì cô chủ lại ghé vào phòng. Mọi việc diễn ra hệt như đêm hôm trước. Tôi chẳng biết phải làm sao, đến sáng thì người bắt đầu thấy mệt mỏi rã rời. Lúc ăn sáng, tôi tính xin phép đi ra biển chơi để tìm cách trốn ra khỏi đây nhưng cô chủ không đồng ý. Cô nói tôi đi chơi một mình cô không yên tâm. Hơn thế nữa, cậu con trai muốn chơi cùng tôi ở trong nhà cho bớt nắng.

Tôi để ý cánh cổng sắt nặng chịch đóng im ỉm, người gác cổng cũng không thấy đâu. Sự sợ hãi mỗi giờ mỗi tăng. Cả ngày hôm ấy tôi ăn ít hẳn, và không muốn chơi nhiều cùng cậu bé con nữa. Tôi lên giường với tâm trạng thật lạ kỳ vào buổi tối. Vẫn tò mò thích thú nhưng nhiều hơn cả là nỗi sợ khó gọi tên. Người phụ nữ ấy tiếp tục chơi trò thể xác với tôi. Và ở đêm thứ ba này thì tôi biết cần phải tìm mọi cách để trốn đi.

Sau khi cô chủ ra khỏi phòng, tôi bật dậy nhìn qua cửa sổ ra ngoài đường. Đường vắng tịnh yên. Cánh cổng sắt chỉa các cọc nhọn trong ánh sáng nhờ nhờ từ ánh đèn đường vàng gần đó. Tôi nhìn và tính coi mình sẽ đặt chân vào chỗ thanh chắn nào để ra khỏi cổng một cách lẹ nhất.

Tranh thủ lúc cô giúp việc mở cửa chính để lau dọn nhà và tưới cây ở vườn phía sau, vào lúc 5 giờ sáng, tôi leo cổng thoăn thoắt ra ngoài. Bàn chân tôi móc vô miếng sắt nhọn trên cánh cổng tướm máu, nhưng mặc kệ, tôi vẫn nhảy đại xuống dưới đất. Tôi đi thẳng một mạch ra bến xe, nghĩ trong bụng, thôi về nhà với ba mẹ thôi, phiêu lãng vậy là đủ lắm rồi. Dòng xe vẫn chạy trên đường mà sao tôi chẳng thấy sự yên bình chút nào cả. Cuộc đời đúng là quá phức tạp!
 
Blogger Templates