Pages

Subscribe:

Tuesday, 30 August 2016

Ông bố U60 Trần Lực kể chuyện đối phó với ba 'tiểu quỷ'

Đạo diễn Trần Lực chuẩn bị ra mắt cuốn sách"Chuyện nhà Bông, Bờm, Bách" với những khoảnh khắc thú vị của ba con nhỏ.

Diễn viên, đạo diễn Trần Lực vừa hoàn thành cuốn sách đầu tay, gồm những mẩu chuyện ngắn góp nhặt trong gia đình.
Ở tuổi 53, ngoài cậu con trai cả gần 30 tuổi, Trần Lực còn có ba con nhỏ tuổi thiếu nhi là Bông (9 tuổi), Bờm (8 tuổi) và Bách (5 tuổi). 
Chuyện nhà Bông, Bờm, Bách gồm 55 câu chuyện, tập trung vào các mẩu đối thoại dí dỏm, hài hước của Trần Lực với ba con hàng ngày. Tính cách của các con lần lượt hiện lên qua lời kể của ông bố. Đó là một Bông điệu đà, Bờm hiếu động, tò mò và Bách "hổ báo" - luôn là nỗi kinh hoàng của anh Bờm và chị Bông với những trò nghịch ngợm.
ong-bo-u60-tran-luc-ke-chuyen-doi-pho-voi-ba-tieu-quy
Bìa sách "Chuyện nhà Bông, Bờm, Bách".
Trần Lực qua chương trình Bố ơi mình đi đâu thế đã cho thấy hình ảnh một ông bố tình cảm, tâm lý, luôn làm bạn với con. Trong cuốn sách, hình ảnh ấy được khắc họa đậm nét. Dù tuổi tác cách biệt khá lớn, Trần Lực vẫn gần gũi, lắng nghe và kiên nhẫn đối phó với những căn vặn, lý sự từ các con. Bao trùm tất cả là tình yêu thương Trần Lực dành cho con cái.
Trong mẩu chuyện Con sinh ra từ đâu, Trần Lực kể lại đối thoại giữa anh với bé Trần Bờm láu lỉnh:
"Sáng, khoác ba lô lên vai, Bờm quay sang bố:
- Hôm nay sinh nhật con á, bố?
- Ừ!
- Thế... giờ này con sinh ra chưa?
- Chưa!
- Thế... con ở đâu?
- Trong bụng mẹ anh chứ đâu, nhiều chiện, đi giày nhanh!
- Bố bị lừa nhá, hihi, thế mà bố dám bảo bố mang bầu xong roài đẻ ra con hí hí...
Đấy, sáng ra đã lý lắc với bố híc híc...
Nói để anh biết, tôi yêu anh và mong anh hạnh phúc, vui vẻ... Cũng nói để anh biết, dù có thành công hay thất bại trong cuộc sống tôi mãi ở bên anh, thoải mái mà sống, nhá, anh Bờm! Chúc mừng sinh nhật con trai yêu".
Ngôn ngữ đối thoại đời thường khiến người đọc như được chứng kiến những thước phim chân thực về cuộc sống của gia đình đông con Trần Lực.
ong-bo-u60-tran-luc-ke-chuyen-doi-pho-voi-ba-tieu-quy-1
Ba bé Bông, Bờm và Bách.
Ngoài ra, cuốn sách cũng khiến độc giả thích thú với hình ảnh mẹ của ba bé - Mỹ Trang. Đây là người vợ thứ ba của Trần Lực, hiếm khi xuất hiện trước truyền thông. Ở nhà, mẹ các bé được gọi là "cô phù thuỷ cưỡi chổi" và rút gọn thành "cô Thuỷ". Mỗi lần "cô Thủy" xuất hiện, qua miêu tả của Trần Lực, đều khiến độc giả bật cười.

Sách 'Mỹ nhân Nga' giới thiệu 17 truyện ngắn của Nabokov

Tập truyện ngắn của cha đẻ tiểu thuyết "Lolita" - nói về nỗi đau thầm kín của một ông hoàng lưu vong - vừa ra mắt ở Việt Nam.

Quyển một của bộ tổng tập truyện ngắn Nabokov vừa được Nhà xuất bản Văn học và Zenbook phát hành tại Việt Nam. Quyển này mang tên Mỹ nhân Nga gồm 17 truyện ngắn trong tổng số 68 truyện Nabokov từng sáng tác. Dịch giả Thiên Lương là người chuyển ngữ các truyện ngắn từ bản gốc tiếng Anh và tiếng Nga.
Bìa cuốn Mỹ nhân Nga.
Bìa cuốn "Mỹ nhân Nga".
Vladimir Nabokov có phong cách viết hoa mỹ, uyên bác, phức tạp và chứa đựng vô vàn "ngón" chơi chữ, bẫy ngôn từ. Cách xếp đặt tác phẩm của ông được nhận xét đẹp hoàn hảo như cánh bướm, lại trí tuệ như bàn cờ vua luôn mê hoặc, cuốn hút người đọc. Tuy vậy, sự cầu kỳ trong văn phong của ông khiến cho nhiều người có chút ngại ngần khi tiếp cận các tác phẩm của Nabokov.
Ở đại văn hào này tích hợp nét đa văn hóa trong một con người gốc quý tộc Nga. Ông trưởng thành với đủ nghề ở châu Âu, rồi làm giáo sư văn chương ở Mỹ. Những điều này làm cho văn của ông tải được không chỉ sự vĩ đại, khoáng đạt, chất thôn dã và vẻ đẹp tâm hồn Nga mà cả tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái của châu Âu, Mỹ.
Những yếu tố trên gây không ít khó khăn cho việc dịch sách của Nabokov. Người dịch Mỹ nhân Nga giữ quan điểm bản dịch chỉ có giá trị khi được dịch từ ngôn ngữ gốc. Do Nabokov sáng tác bằng cả tiếng Anh và tiếng Nga, 68 truyện ngắn của ông có một lịch sử xuất bản khá phức tạp. Chúng được đăng rải rác suốt nửa thế kỷ trên các tờ báo Nga và Mỹ. Sau này, chúng được con trai nhà văn gom lại và in trong một tổng tập với tên Collected Stories (Tổng tập truyện ngắn).
"Dẫu sao chăng nữa, công nghệ hiện đại ở một thế giới phẳng hơn cũng làm cho việc dịch thuật trở nên thuận lợi hơn, cho dịch giả cơ hội tra cứu sâu hơn, nhanh hơn và rộng hơn, nhờ vậy mà các tác giả khó dịch như Nabokov sẽ có nhiều cơ hội đến được với độc giả Việt Nam", dịch giả Thiên Lương nói.
Dù là tác giả được đánh giá rất cao trên thế giới, thậm chí được xem như nhà văn của các nhà văn, Nabokov có vị trí khá khiêm tốn ở thư viện văn học dịch Việt Nam. Gần 40 năm từ khi nhà văn qua đời tại Thụy Sĩ, chỉ một phần rất nhỏ thuộc di sản văn chương của ông được giới thiệu đến độc giả Việt Nam. Trong đó, chỉ có hai cuốn Lolita và Tiếng cười trong bóng tối được dịch từ nguyên tác và gây tiếng vang trong giới đọc sách.
Bộ tổng tập truyện ngắn của nhà văn Nabokov được chia làm 4 quyển, đều do dịch giả Thiên Lương chuyển ngữ. Dự kiến, quyển cuối cùng được dịch xong vào năm 2019 - năm kỷ niệm 120 năm ngày sinh Nabokov.
 
Blogger Templates