Pages

Subscribe:

Sunday, 29 May 2016

Sách hướng dẫn bố mẹ bảo vệ con khỏi bị quấy rối tình dục

Bộ sách "Giáo dục giới tính toàn diện" đưa ra những tình huống về giới tính và đề xuất cách giải quyết để cha mẹ giúp con tự bảo vệ thân thể, chống lại kẻ quấy rối...
Giáo dục giới tính toàn diện là bộ sách của tác giả Jayneen Sanders - giáo viên tiểu học người Australia.
Bộ sách gồm bốn cuốn, mỗi cuốn là một câu chuyện kèm những câu hỏi để bố mẹ tương tác với con, đề xuất cách giải quyết những tình huống khó về những chủ đề nhạy cảm.
Cuốn Không là Không hướng dẫn việc dạy trẻ về ranh giới cá nhân, trao quyền quyết định cho trẻ trong nhiều trường hợp bị ép uổng và tấn công. Theo đó, trẻ được quyền nói "Không!" với những ép buộc không hợp lý từ người ngoài như đòi ôm hôn hoặc đòi tắm cho.
sach-huong-dan-bo-me-bao-ve-con-khoi-bi-quay-roi-tinh-duc
Bộ sách "Giáo dục giới tính toàn diện".
Cuốn Bí mật rất cần bật mí hướng dẫn cha mẹ cách đề cập với con những bí mật tế nhị, để con thoải mái nói ra. Bởi trong nhiều trường hợp, kẻ lạm dụng trẻ em chính là những người quen mà trẻ sợ không dám nói.
Cuốn Thuyền trưởng cướp biển, gái tài như trai là câu chuyện về bình đẳng giới, tôn trọng cá nhân và phòng chống bạo lực. Qua câu chuyện về một nữ thuyền trưởng dũng cảm, công bằng và mạnh mẽ, sách cho thấy các cô gái có thể mạnh mẽ, tự lập, theo đuổi giấc mơ của mình và làm việc xuất sắc.
Cuốn thứ tư - An toàn cho con yêu - hướng dẫn từng bước để các bậc cha mẹ và anh chị biết cách bảo vệ trẻ khỏi bị quấy rối và tấn công tình dục. Thông qua cuốn sách, cha mẹ có thể dạy con về: Tên chính xác của các bộ phận "riêng tư" trên cơ thể, thế nào là "đụng chạm an toàn" và "đụng chạm không an toàn" và cách đối phó, không giấu giếm những bí mật đau buồn hay khó chịu...
Bộ sách dành cho bố mẹ có con từ ba tuổi trở lên.
Tác giả Jayneen Sanders có nhiều năm viết sách cho trẻ em, cha mẹ và người nuôi dạy trẻ. Cô khởi xướng các diễn đàn thảo luận về bảo vệ trẻ em khỏi nạn bắt nạt, quấy rối và xâm hại tình dục. Sách của cô được nhiều giải thưởng, được các chuyên gia uy tín công nhận và được dịch ra gần 10 ngôn ngữ, dùng trong nhà trường Anh, Mỹ, Australia...
Sách do Nhã Nam phát hành trong tháng 5, chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi.

Tổng thống Obama là 'mọt sách' như thế nào

Chính trị gia Mỹ lừng danh từng đọc hàng nghìn tác phẩm, trong đó "Chuông nguyện hồn ai", "Đảo giấu vàng"... là tiểu thuyết yêu thích của ông.
Tổng thống Barack Obama nổi tiếng là "mọt sách" trong lịch sử những người đứng đầu Nhà Trắng Mỹ.
Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008, Obama khiến giới trí thức ngạc nhiên khi trích dẫn nhiều kiến thức uyên bác từ sách kinh điển trong các buổi vận động tranh cử. Một năm sau khi nhậm chức, Nhà Trắng cho biết việc chính trị khiến ông giảm bớt thú vui đọc văn chương hư cấu. Thay vào đó, với ý thức để lại di sản, ông Obama luôn tìm cách thừa kế trí tuệ của những người tiền nhiệm và những học giả uyên bác trong các lĩnh vực chuyên môn khi xử lý vấn đề đất nước trên cương vị lãnh đạo.
Hồi Mỹ đối mặt khủng hoảng chiến tranh Afghanistan, Obama đọcLessons in Disaster của Gordon Goldstein và A Better War - hai cuốn nghiên cứu chiến tranh Việt Nam - để tham khảo kinh nghiệm.
tong-thong-obama-nuoi-duong-tinh-yeu-doc-sach-nhu-the-nao
Ông Obama đi mua sách ở Washington. Ngày bé, ông Obama là fan ruột của dòng truyện phiêu lưu và trinh thám. Khi trưởng thành, ông thích văn chương kinh điển của các tác giả John Steinbeck hay F.Scott Fitzgerald.
Khi giải quyết vấn đề về chăm sóc y tế, tổng thống Mỹ đọc kỹ các cuốn nghiên cứu về nỗ lực của cựu Tổng thống Theodore Roosevelt, trong đó có cuốn The Rise of Theodore Roosevelt của sử gia Edmund Morris. Mùa xuân năm 2010, ông chia sẻ trong buổi nói chuyện trước công chúng ở Glenside, bang Pennsylvania: "Chúng ta đã bàn về vấn đề chăm sóc sức khỏe quốc gia hàng thế kỷ nay. Hiện tại, tôi đọc những lời thuật của Theodore Roosevelt. Ông đã bàn nhiều về nó".
Trong các chuyến đi, ông Obama mang nhiều sách theo đọc. Năm ngoái, trong một lần đến hòn đảo Martha's Vineyard, nhà chính trị "tha" bên mình sáu tác phẩm (2.333 trang sách) để đọc trong một tuần. Hiện tại, khi có mạng xã hội, ông thường xuyên đăng các cuốn sách yêu thích trên trang cá nhân như tiểu thuyết kinh điển Moby Dick của Herman Melville, bi kịch Shakespeares, các tuyển tập phi hư cấu của tổng thống Lincoln và Kinh thánh. Mỗi lần Tổng thống Mỹ đề xuất một cuốn sách đều gây chú ý với mọi người. 
Hàng năm, ông chia sẻ với báo giới cuốn sách ưa thích nhất năm. Trong bài phỏng vấn với People tháng 12 năm ngoái, ông bày tỏ rằng cuốn sách yêu thích nhất năm của ông là tiểu thuyết Fates and Furies của nhà văn Lauren Groff. Câu chuyện kể về một cuộc hôn nhân bằng góc nhìn hai nhân vật chính. Tác phẩm sau đó vào danh sách chung khảo giải National Book.
tong-thong-obama-nuoi-duong-tinh-yeu-doc-sach-nhu-the-nao-1
Bài điểm sách của ông Obama trên Chicago Tribune năm 1997.
Dù thừa nhận sách điện tử hữu dụng và tiện ích, Obama nói: "Tôi yêu sách giấy truyền thống". Vào thời gian rảnh, ông thường dự các câu lạc bộ về sách hoặc đưa các con gái đi lựa sách ở các cửa hàng. Năm ngoái, ông gây chú ý khi mua liền một lúc 17 cuốn trong một cửa hàng ở Washington.
Niềm ham đọc sách của Barack Obama cũng được tiếp nối từ các đời tổng thống trước. Abraham Lincoln cũng mê sách phi hư cấu kinh điển. Tổng thống Herbert Hoover đặc biệt thích tác phẩm về luyện kim. Nhà vô địch về đọc sách ở Nhà Trắng chính là ông Theodore Roosevelt. Ông từng đọc mỗi ngày một cuốn dù bận rộn. Những ngày rảnh, ông đọc hai tới ba tác phẩm. Tổng thống Jimmy Carter từng tham gia các khóa học nâng cao tốc độ đọc sách.
Ông Obama đang đặt mục tiêu bắt kịp lượng sách đọc so với Franklin D. Roosevelt (Tổng thống thứ 32 nước Mỹ) - người từng đọc 22.000 cuốn sách cho tới khi qua đời năm 1945.
tong-thong-obama-nuoi-duong-tinh-yeu-doc-sach-nhu-the-nao-2
Tổng thống chia sẻ niềm yêu thích sách với trẻ em. Một trong số tác phẩm thiếu nhi kinh điển đi theo ông những năm tháng thơ ấu là Đảo giấu vàng.
Trước khi trở thành Tổng thống Mỹ, bản thân Obama từng viết phê bình sách có nhuận bút. Năm 1997, ông viết bài điểm sách cho báo Chicago Tribune và ca ngợi cuốn A Kind and Just Parent: The Children of Juvenile Court của William Ayers. Chính trị gia viết trong bài điểm sách nghiên cứu về trẻ em phạm tội vị thành niên: "Tác phẩm đưa ra cái nhìn sâu về hệ thống tư pháp cho trẻ vị thành niên phạm tội, đồng thời ca ngợi chân dung về những cá nhân can đảm biết biến tuyệt vọng thành hy vọng (những người làm việc ở một trại giáo dưỡng Juvenile Court ở Chicago)".
Thời sinh viên bận rộn với việc làm thêm như bán hàng hay lao động chân tay, Barack Obama nổi danh ở trường Occidental College (California) là vô địch gia về việc "ngốn ngấu" sách. Ông khẳng định hồi đó bản thân đọc hàng loạt sách thuộc nhiều lĩnh vực và thể loại, từ kinh tế, tới luật khoa, tiểu sử, triết học hay văn chương. Sách ông đọc dành cho mọi lứa tuổi từ năm tuổi tới hơn 52 tuổi. Một trong những triết gia yêu thích của ông là Reinhold Niebuhr, người có cuốn Moral Man And Immoral Society. Tiểu thuyết For Whom The Bell Tolls (Chuông nguyện hồn ai) của nhà văn Ernest Hemingway nằm trong số tác phẩm truyền cảm hứng hàng đầu cho Obama.
 
Blogger Templates