Pages

Subscribe:

Tuesday, 2 February 2016

Sách về ông Nguyễn Bá Thanh được xuất bản

Gần 400 trang sách là những câu chuyện xúc động về ông Nguyễn Bá Thanh từ thời niên thiếu đến dấu ấn 17 năm làm lãnh đạo giúp Đà Nẵng "thay da đổi thịt".
 
"Nguyễn Bá Thanh - một người con của Đà Nẵng" do thạc sĩ Nguyễn Kim Thành (Đại học Văn hóa Hà Nội) tổng hợp và biên soạn. Đây là cuốn sách đầu tiên viết về ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, ra mắt nhân một năm ngày giỗ của ông.

Cuốn sách ghi lại những câu chuyện về vị lãnh đạo đã thực sự "đánh thức" Đà Nẵng từ ngày tách khỏi tỉnh Quảng Nam để trở thành thành phố trực thuộc trung ương, cho đến một đô thị "đáng sống" nhất Việt Nam.

sach-ve-ong-nguyen-ba-thanh-duoc-xuat-ban
Cuốn sách được phát hành nhân một năm ngày giỗ ông Nguyễn Bá Thanh.

Cuốn sách được chia làm 3 phần. Trọng tâm nằm ở phần "Dấu ấn", tổng hợp những đột phá của vị nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khi nắm các cương vị lãnh đạo như chương trình thành phố "năm không, ba có", trọng dụng nhân tài hay các cuộc đối thoại "đậm chất" Nguyễn Bá Thanh với nhiều câu nói để đời "cứ mãi lộ rồi cũng phải bị lộ, dân biết hết", "cán bộ phải có văn hóa xấu hổ", "bớt xén của người bất hạnh là không thể tha thứ"...

Cuốn sách có bốn trang bàn về việc chống tham nhũng của ông Nguyễn Bá Thanh, ngắn gọn nhưng khái quát được quyết tâm không khoan nhượng của nguyên trưởng ban Nội chính Trung ương. Ông Bá Thanh chỉ ra tham nhũng trong xây dựng cơ bản không phải ở vài thứ sắt, thép, xi măng nhỏ lẻ mà chính từ khâu thiết kế nâng khống khối lượng, móc nối với các đơn vị thi công để đút túi tiền chênh lệch.

Ông Bá Thanh từng khẳng định "cho hốt liền, không nói nhiều" với tội phạm tham nhũng, thẳng thắn chỉ ra "không ít cán bộ có cái thói vừa ăn vừa phá", kèm theo dẫn chứng: "Như chuyện rước cái tàu cũ rích của người ta về, nó đang giá một đồng, ông về hô lên 5 đến 7 đồng. Chừ ôm đống sắt vụn bán cũng không có người mua. Mình làm kinh tế phải đóng góp vô, phải ra đồng tiền bát gạo để chăm lo cho dân nhưng đằng này lại vừa ăn vừa phá...".

Dành riêng một phần về ký ức của người thân hay những người từng sát cánh cùng ông Nguyễn Bá Thanh, tác giả ghi lại những câu chuyện thú vị của một vị lãnh đạo gần dân, được lòng dân từ ngày làm chủ nhiệm hợp tác xã Hòa Nhơn 3 đến những việc làm "không giống ai" như gặp mặt đối thoại với thanh thiếu niên hư, những ông chồng vũ phu, xây bệnh viện miễn phí cho người nghèo mắc bệnh ung thư...

sach-ve-ong-nguyen-ba-thanh-duoc-xuat-ban-1
Lúc sinh thời, ông Nguyễn Bá Thanh là một lãnh đạo gần dân. Ảnh: Nguyễn Đông.

Nhà sử học Dương Trung Quốc trong Lời tựa đánh giá dấu ấn đậm nét nhất của Nguyễn Bá Thanh là những gì ông làm, đã đổi thay diện mạo, cảnh quan về nếp sống của một thành phố luôn hướng tới mục tiêu trở thành "nơi đáng sống nhất" cho mọi người trong gần hai thập kỷ qua. Thành phố đó có một không gian được quy hoạch hợp lý, những công trình ngày một khang trang, những tập quán sống lành mạnh mang "thương hiệu Đà Nẵng"...

Nhà sử học đánh giá: "Những bài viết trong cuốn sách không to tát. Những cảm nghĩ rất đời thường, những kỷ niệm thật khó quên... của những người viết - thuộc nhiều tầng lớp xã hội, nghề nghiệp khác nhau - là những nén hương thơm góp lại thành một bó hương tưởng nhớ tới người vừa mới chia tay chúng ta".

Sách do Nhà xuất bản Thông tấn phát hành trên toàn quốc, in 700 cuốn. Buổi giới thiệu sách sẽ diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 29/1.

Nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh từ trần ngày 13/2 (ngày 25 tháng Chạp) tại nhà riêng sau một thời gian lâm bệnh rối loạn sinh tủy, hưởng thọ 62 tuổi. Ông được an táng tại nghĩa trang gia tộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Trong vòng 17 năm, ông Thanh giữ các chức vụ bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND Đà Nẵng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng và là người được đánh giá "nói được làm được", giúp Đà Nẵng "lột xác" trở thành một đô thị trẻ đang trên đà phát triển.

Hội Nhà văn Việt Nam mừng mùa giải nhiều thành tựu

Giải thưởng thường niên và giải Tiểu thuyết của Hội Nhà văn trong năm 2015 mang tính phát hiện, tôn vinh nhiều tác phẩm xứng đáng.
 
Sáng 2/2 tại Bảo tàng Văn học, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ trao giải thường niên năm 2015 và Giải Tiểu thuyết lần thứ tư (2011 - 2015). Lãnh đạo Hội nhà văn, đông đảo hội viên, tác giả đều mừng một mùa giải đã tìm ra nhiều tác phẩm chất lượng, mới mẻ.

hoi-nha-van-viet-nam-mung-mua-giai-nhieu-thanh-tuu
Nhà thơ Hữu Thỉnh (thứ ba, trái) trao giải cho các tác giả của cuộc thi tiểu thuyết. 

Ở Giải thưởng Văn học năm 2015, thay vì mỗi hạng mục có một tác phẩm đứng đầu, ba lĩnh vực văn xuôi, thơ, lý luận - phê bình có tới hai tác phẩm xuất sắc. Cụ thể, tập truyện ngắn Kỳ nhân làng Ngọc của Trần Thanh Cảnh và tiểu thuyết Thông reo ngàn hống của Nguyễn Thế Quang đoạt giải lĩnh vực văn xuôi. Tập thơ Vườn khuya của Trần Hùng và trường ca Long mạch của Hoàng Trần Cương đoạt giải hạng mục thơ. Lĩnh vực Lý luận - phê bình vinh danh hai công trình nghiên cứu Âm thanh của tưởng tượng (Lê Hồ Quang) và Các lý thuyết nghiên cứu văn học ảnh hưởng và tiếp nhận từ ngày đổi mới đến nay (Nguyễn Văn Dân). Giải thưởng Tiểu thuyết tuy chưa tìm được tác phẩm đỉnh cao, song trao cho 12 tiểu thuyết. Trong đó có ba câu chuyện gây ấn tượng, gồm: Người thứ hai (Tô Hải Vân), Chim ưng và chàng đan sọt (Bùi Việt Sỹ), Mảnh vỡ của mảnh vỡ (Vĩnh Quyền).

Về chất lượng tác phẩm đoạt giải, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn - nhận xét: "Mỗi tác phẩm một thi pháp riêng, những vấn đề riêng của con người và xã hội. Điều đó làm nên sự phong phú của thể loại cũng như tính đa dạng của đề tài". Đi sâu vào từng tác phẩm, ông cho rằng Kỳ nhân làng Ngọc mang tới cái nhìn cận cảnh về số phận con người nhỏ bé nơi làng quê, từ đó dự báo sự đổi thay của nông thôn. Thông reo ngàn hống của Nguyễn Thế Quang dựng lại thời đại đã qua một cách sinh động. Tiểu thuyết có tư duy trầm tĩnh, đầy trách nhiệm về lịch sử, mang tới bài học cho thời đại hôm nay. Hai cuốn thơ được giải - một mang vẻ đẹp thuần khiết, tĩnh lặng (Vườn khuya), một vang lên nét khỏe khoắn của đời sống (trường ca Long mạch). Hai công trình nghiên cứu thể hiện sự công phu trong công tác khoa học, kết hợp với mỹ học, tạo nên sự mới mẻ cho phê bình lý luận. 

Các tác phẩm vào chung khảo giải Tiểu thuyết cũng có sự đa dạng so với kỳ trước. Ở đề tài chiến tranh, ba tác phẩm Miền hoang (Sương Nguyệt Minh), Mảnh vỡ của những mảnh vỡ (Vĩnh Quyền), Vùng sâu (Tô Nhuận Vỹ) đều lấy điểm nhìn của ngày hôm nay để soi rọi quá khứ. Do đó tác phẩm không chỉ nói về cuộc hành quân, súng đạn mà còn bàn về nhiều mặt của chiến tranh.

Đề tài lịch sử, truyền thuyết có hai cái tên vào chung khảo là Chim ưng và chàng đan sọt (Bùi Việt Sỹ) và Ngược mặt trời (Nguyễn Một). Các tác phẩm viết không nệ sử, kể câu chuyện đã qua nhưng gắn với vấn đề đương đại. Nhiều tác phẩm thuộc mảng đề tài xã hội ngày nay. Nhóm này tạo thành một dòng văn học chống cái ác, cái xấu, chống sự phi lý đang đầy lên trong xã hội. 

hoi-nha-van-viet-nam-mung-mua-giai-nhieu-thanh-tuu-1
Lễ trao giải là dịp để các tác giả gặp mặt, trò chuyện.

Không chỉ thành công về chất lượng, hai giải thưởng năm nay mang yếu tố phát hiện. 

Nhà thơ Hữu Thỉnh nói: "Trong số các tác giả đoạt giải, có nhiều người chưa phải là hội viên Hội Nhà văn, nhiều người chưa từng tới trụ sở Hội và hôm nay lần đầu tôi được gặp mặt. Nhưng hội đồng xét giải đã đón nhận đứa con tinh thần của các tác giả mới và phát hiện nhiều tác phẩm tốt cho văn học nước nhà". Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng không chỉ có những người mới cầm bút mang tới giọng điệu lạ, giải thưởng năm nay cũng tôn vinh nhiều tác giả có kinh nghiệm biết làm mới mình.

Tác giả Trần Thanh Cảnh bày tỏ niềm hạnh phúc khi nhận giải cao nhất hạng mục văn xuôi. Ông là doanh nhân, cầm bút từ năm 2013 như một nhu cầu tự thân. Tập truyện ngắn đầu tiên mới ra mắt đã được trao giải thưởng cao quý. Trần Thanh Cảnh cho biết ông là người ngoại đạo văn chương nên giải thưởng không là áp lực, nhưng là động lực lớn cho ông tiếp tục hoàn thiện các tiểu thuyết dang dở.

Vui mừng với thành quả song lãnh đạo Hội Nhà văn cũng băn khoăn với khuyết thiếu của hai giải. Nhà văn Nguyễn Trí Huân cho rằng việc không tìm được tác phẩm trao giải nhất khiến giải thưởng Tiểu thuyết chỉ thành công ở diện rộng mà chưa thực sự thuyết phục ở bề sâu. Ông nói: "Một nền văn học không thể lớn nếu không có tác phẩm lớn". Nhà thơ Hữu Thỉnh trăn trở cách đưa tác phẩm đoạt giải đến với bạn đọc. Ông cho rằng chất lượng tác phẩm của giải thưởng đôi khi không đi đôi với thị trường. Để quảng bá rộng rãi những tác phẩm đoạt giải, Chủ tịch Hội Nhà văn chỉ đạo các tạp chí, cơ quan ngôn luận của Hội thực hiện nhiều tọa đàm, đăng tải các bài viết, phê bình.
 
Blogger Templates